Thứ 6, 17/05/2024, 23:46[GMT+7]

Kiến Xương: Dồn sức dập bệnh dịch tả lợn châu Phi

Chủ nhật, 12/12/2021 | 20:02:39
1,365 lượt xem
Bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn diễn biến phức tạp, huyện Kiến Xương đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chung tay ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Người dân xã Nam Bình phun tiêu độc, khử trùng phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Mặc dù huyện, các xã, thị trấn đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch song đây là dịch bệnh có tốc độ lây lan nhanh nên khó khăn trong việc ngăn chặn, kiểm soát và dập dịch. Điển hình như ở xã Minh Tân mặc dù đã chủ động ngăn chặn bằng mọi biện pháp song dịch bệnh vẫn xuất hiện trên đàn lợn của địa phương. 

Ông Lê Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 218 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn là 1.526 con. Mặc dù hàng tháng xã thực hiện đầy đủ công tác kê khai chăn nuôi, tổ chức tiêm phòng, tiến hành tiêu độc khử trùng song đến ngày 25/11 trên địa bàn xã vẫn xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, xã đã thông tin cho các cơ quan chức năng để tiến hành lấy mẫu, xử lý luôn khu vực có lợn nhiễm bệnh bằng vôi bột và phun hóa chất. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay ở Minh Tân là tại thời điểm đó trên địa bàn xã có 14 trường hợp F0 và có 5/6 thôn có các điểm phong tỏa do dịch Covid-19 nên rất khó cho công tác chỉ đạo, kiểm tra, rà soát các hộ chăn nuôi cũng như công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi nên bệnh dịch lan ra 6/6 thôn. Xã cũng đã chuẩn bị 1,1 tấn vôi bột, 30 lít hóa chất để thực hiện công tác phòng, chống dịch và phục vụ việc tiêu hủy. Đến ngày 8/12 toàn xã đã có 324 con lợn phải tiêu hủy với trọng lượng trên 10,5 tấn, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Ông Đỗ Xuân Hiển, Chủ tịch UBND xã  Nam Bình cho biết: Trước kia, Nam Bình có tổng đàn trên 200 con, do xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi ở 9 hộ trên 4 thôn nên đến nay xã chỉ còn trên 100 con lợn. Ngay khi xuất hiện dịch, xã đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ chức xử lý ổ dịch bằng vôi bột, phun hóa chất và thực hiện nghiêm việc tiêu hủy lợn ốm, chết. Xã đã sử dụng 189 lít hóa chất và 4.260kg vôi bột để tiêu độc khử trùng trên diện rộng. Ngoài ra, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Trong 10 ngày qua dịch bệnh trên địa bàn xã đã tạm ổn, không phát sinh thêm ổ dịch mới.

Xã Vũ Bình tiêu hủy lợn nhiễm bệnh.

Hiện nay, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Kiến Xương vẫn diễn biến phức tạp. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời công bố dịch ở những xã có lợn nhiễm bệnh. Đến hết ngày 8/12/2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 167 hộ, thuộc 32 thôn của 8 xã; số lợn buộc phải tiêu hủy 520 con, có tổng trọng lượng 28.722kg. Tuy nhiên, qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh ở các địa phương còn xuất hiện một số tồn tại như một bộ phận người chăn nuôi chưa tích cực thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, có tư tưởng buông xuôi, phó mặc; chính quyền cấp xã chưa thực sự quyết liệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, chưa huy động được nguồn nhân lực, vật lực đủ mạnh cho xử lý dịch và dập dịch.

 Cán bộ thú y xã Vũ Bình kiểm tra, rà soát số lượng lợn nhiễm bệnh tại các hộ dân.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết thêm: Huyện Kiến Xương đã yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo của huyện về phòng, chống dịch bệnh động vật, thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn tiếp tục tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực của địa phương cho công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết. Thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh. Tăng cường tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và các biện pháp phòng dịch để người dân chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.

                                                             Thu Thủy



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày