Thứ 4, 01/05/2024, 01:01[GMT+7]

Ngành Ngân hàng Thái Bình: Gắn tăng trưởng với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Thứ 7, 01/01/2022 | 08:48:34
3,238 lượt xem
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19 song ngành Ngân hàng Thái Bình đã triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngoại hối, bảo đảm hệ thống ngân hàng trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh.

Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Bắc Thái Bình.

Phóng viên:  Xin đồng chí cho biết trong năm 2021 ngành Ngân hàng Thái Bình đã thực hiện mục tiêu kép như thế nào?

Đồng chí Phan Thị Tuyết Trinh: Trên địa bàn tỉnh, ngoài NHNN Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng có 26 ngân hàng và 85 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động với 8 chi nhánh huyện, thành phố, 92 phòng giao dịch, 45 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 64 xã liền kề và 260 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội trải rộng khắp các xã, phường, thị trấn. Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng năm 2021 hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tiếp tục phát triển. Ngay từ đầu năm, toàn ngành đã triển khai kịp thời các giải pháp nhằm huy động tối đa lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức kinh tế để đầu tư nền kinh tế. Chính vì thế, kết thúc năm 2021 nguồn vốn huy động toàn ngành tăng trưởng khá, đạt 97.700 tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm 31/12/2020, trong đó tiền gửi dân cư chiếm 93%. Với nguồn vốn dồi dào, các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người dân duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, cho vay xóa đói giảm nghèo... Đến hết năm 2021, tổng dư nợ cho vay toàn ngành đạt 73.800 tỷ đồng, tăng 13% so với thời điểm 31/12/2020, trong đó cho vay lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 18,6%, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 30,3% và lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm 51,1% tổng dư nợ cho vay; tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, chỉ chiếm 0,83% tổng dư nợ cho vay (không bao gồm dư nợ, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thái Bình).

Không chỉ chú trọng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thời gian qua, NHNN Chi nhánh tỉnh tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch, bảo đảm không phát sinh, lây lan dịch trong hệ thống ngân hàng, từ đó thực hiện kịp thời, thông suốt hoạt động đầu tư tín dụng, cung ứng các dịch vụ ngân hàng phục vụ doanh nghiệp và nhân dân.

Phóng viên:  Để đồng hành cùng khách hàng, giúp khách hàng vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, ngành Ngân hàng Thái Bình đã thực hiện những giải pháp như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Thị Tuyết Trinh: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021, Thông tư số 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 hướng dẫn cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn lãi vay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để hỗ trợ kịp thời đối với khách hàng vay vốn trước tác động của dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản triển khai tới các TCTD trên địa bàn để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của khách hàng trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tích cực sử dụng công nghệ số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Đến cuối tháng 12/2021, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng với lãi suất thấp hơn khoảng 2%/năm so với trước khi có dịch, doanh số cho vay đạt 56.290 tỷ đồng; miễn, giảm lãi tiền vay cho 13.160 khách hàng, tổng giá trị nợ lũy kế đã được miễn, giảm lãi 2.590 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm trên 3 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho gần 1.000 khách hàng với dư nợ hơn 830 tỷ đồng; giảm phí dịch vụ thanh toán khoảng 30 - 50% đối với các giao dịch thanh toán qua ngân hàng. Thực hiện Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã giải ngân cho vay 7 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho người lao động với doanh số cho vay hơn 1,2 tỷ đồng, lãi suất cho vay 0%.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng, ngành Ngân hàng Thái Bình đã phát triển công nghệ số như thế nào?

Đồng chí Phan Thị Tuyết Trinh: Năm 2021 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số ngân hàng, đặc biệt là hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của các TCTD trên địa bàn tỉnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để phục vụ tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, hạn chế tiếp xúc đông người, các TCTD trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, nhất là dịch vụ thanh toán. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh được cài đặt App của các ngân hàng khách hàng có thể trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ của ngân hàng mà không phải trực tiếp đến ngân hàng như: gửi tiết kiệm, chuyển tiền, mua sắm online, thanh toán hóa đơn điện, nước, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, tàu xe, quét mã VNPAY-QR… Chính vì thế, mặc dù năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp nhưng doanh số thanh toán qua ngân hàng vẫn tăng trưởng khá, đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 18,7% so với năm 2020; trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm khoảng 76% tổng doanh số thanh toán.

Phóng viên: Với mục tiêu năm 2022 nguồn vốn huy động tăng tối thiểu 12%, dư nợ cho vay tăng tối thiểu 14%, có sự điều chỉnh cho phù hợp theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và diễn biến thị trường, doanh số thanh toán tăng tối thiểu 10% so với năm 2021; thu tiền mặt đáp ứng đủ nhu cầu chi tiền mặt; nợ xấu nội bảng chiếm dưới 1,5% tổng dư nợ; giải pháp ngành Ngân hàng Thái Bình tập trung thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Thị Tuyết Trinh: Để hoàn thành các mục tiêu trên trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành Ngân hàng Thái Bình tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát huy vai trò huyết mạch của nền kinh tế. NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục bám sát mục tiêu, định hướng của ngành, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tới các TCTD trên địa bàn; chỉ đạo các TCTD triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; tăng cường quản lý hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; đẩy mạnh hoạt động thanh toán, bảo đảm an toàn công tác tiền tệ, kho quỹ. Các TCTD tăng cường huy động vốn từ nội bộ nền kinh tế thông qua việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đa dạng hóa các loại hình huy động và cho vay, thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu, định hướng chung của ngành; tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; tăng cường đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, hiện đại hóa công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán theo xu thế phát triển công nghệ 4.0 và đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng dịch vụ của nền kinh tế.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nông dân xã Hồng Việt (Đông Hưng) phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh từ nguồn vốn của Quỹ TDND Hồng Việt.

Minh Hương