Thứ 4, 08/05/2024, 18:45[GMT+7]

Nông nghiệp: Tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ”

Thứ 2, 10/01/2022 | 08:52:10
4,198 lượt xem
Mặc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch Covid-19, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cùng những diễn biến bất thường của thời tiết, ngành Nông nghiệp Thái Bình năm 2021 vẫn vượt khó vươn lên, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn, tiếp tục khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 28.412 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2020, trong đó trồng trọt tăng 0,8%, chăn nuôi tăng 3,9%, thủy sản tăng 4,2%.

Năm 2021, giá trị sản xuất ngành trồng trọt ước đạt 12.034 tỷ đồng, tăng 0,8% so với năm 2020.

Chuyển dịch nông nghiệp

Năm qua, hoạt động nông nghiệp tiếp tục có sự chuyển dịch khá mạnh mẽ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Cơ cấu giống lúa chuyển dịch mạnh sang gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, phương thức gieo cấy tiếp tục được đổi mới theo hướng hiện đại, giảm diện tích gieo cấy thủ công, tăng diện tích gieo cấy bằng máy. Tổng diện tích gieo cấy đạt 153.200ha, vượt 3.200ha so với kế hoạch. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân ước đạt 51.000ha, cây màu vụ hè và hè thu đạt 19.684ha, năng suất hầu hết các loại cây rau màu đều đạt khá cao, có thị trường tiêu thụ ổn định... góp phần thúc đẩy phát triển ngành trồng trọt.

Chăn nuôi từng bước phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, bền vững. Những tháng đầu năm đã xảy ra một số ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, cúm gia cầm A/H5N8, bệnh dịch tả lợn châu Phi... Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống và dập dịch, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; các dịch bệnh được kiểm soát, khống chế kịp thời; sản xuất chăn nuôi phát triển và đạt kết quả khá. Tổng đàn lợn ước đạt 689,3 nghìn con; tổng đàn trâu, bò ước đạt 57,8 nghìn con; tổng đàn gia cầm ước đạt 14,4 triệu con. Toàn tỉnh hiện có 2.390 trang trại và 250.000 nông hộ chăn nuôi, trong đó có 96,1% cơ sở có áp dụng ít nhất một biện pháp xử lý chất thải.

Lĩnh vực thủy sản phát triển ổn định theo hướng phát huy thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thủy sản ven biển, duy trì mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi cá lồng trên sông và phát triển mạnh công tác sản xuất giống thủy sản, đặc biệt trong sản xuất ngao giống; nâng cao năng lực, hiệu quả khai thác thủy sản xa bờ, đồng thời thực hiện tốt các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2021 ước đạt 15.746,8ha (nước lợ 3.638,2ha; nước mặn 3.169ha; nước ngọt 8.939,6ha, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 271,1 nghìn tấn, tăng 4,1% so với năm 2020.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng thực chất và hiệu quả. Đến nay có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Ngành Nông nghiệp đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM, coi trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ và triển khai thực hiện chương trình xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê”.

Bên cạnh việc triển khai cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, ngành cũng nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống khuyến nông; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tiếp tục được nâng cấp và hiện đại hóa. Công tác dự báo, phát hiện và phòng, trừ sâu bệnh hại thực hiện tốt, kết hợp với đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, giảm chi phí và tổn thất sau thu hoạch.

Có thể khẳng định, năm 2021 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả trên là nỗ lực lớn của ngành Nông nghiệp tỉnh nhà. Kết quả đạt được là khá toàn diện, đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Tiếp tục cơ cấu lại tạo sức bật

Ngày 2/12/2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho nông dân, bảo đảm an ninh lương thực và an ninh quốc phòng, tạo sức bật, đột phá mới nhằm ổn định và phát triển nông nghiệp bền vững. Ngoài việc cơ cấu lại theo từng lĩnh vực, kế hoạch chỉ rõ nhiệm vụ cơ cấu lại theo nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm đặc sản địa phương), cơ cấu theo vùng.

Phấn đấu đạt mục tiêu: tốc độ tăng trưởng toàn ngành giai đoạn 2021 - 2025 đạt 2,1%/năm; xây dựng 8 - 10 sản phẩm trồng trọt chế biến và chế biến sâu mang thương hiệu của tỉnh; toàn tỉnh có khoảng 2.390 trang trại, trong đó 40% là trang trại quy mô vừa và lớn; diện tích nuôi trồng thủy sản thâm canh, công nghệ mới khoảng 3.000ha, chiếm 25 - 30% diện tích nuôi trồng thủy sản; ba giải pháp đột phá được đưa ra: quy hoạch, quy vùng sản xuất hàng hóa (vùng ưu tiên cho nông dân sản xuất theo nông hộ; vùng dành cho nông dân tích tụ từ 2ha trở lên; vùng sản xuất liên thôn, liên xã, liên huyện thu hút doanh nghiệp đầu tư); phát triển các hình thức sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

Năm 2021, một lần nữa trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, kinh tế gặp khó khăn, nông nghiệp lại trở thành điểm tựa góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường đầu tư hiệu quả hơn nữa để củng cố “trụ đỡ” này là yêu cầu cần thiết. Với định hướng đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, sạch, hữu cơ gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản để tạo sức bật trong sản xuất, cơ chế hỗ trợ cần tập trung vào các lĩnh vực và sản phẩm đặc thù có tính đột phá, tăng cường cơ giới hóa, bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch để gia tăng giá trị sản phẩm.

Ngân Huyền