Thứ 4, 24/07/2024, 04:16[GMT+7]

Tục hát văn thờ mẫu, thờ thánh đầu xuân ở Thái Bình

Thứ 3, 01/02/2022 | 19:12:53
13,726 lượt xem
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là một cách gọi của tục hầu bóng, trong đó có hát chầu văn hay còn gọi là hát văn, hát bóng, hát hầu bóng… Đó là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian cổ truyền của Việt Nam, mang đậm tính tâm linh trong cả lời ca và giai điệu, là hình thức lễ nhạc trong nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, một tín ngưỡng độc đáo thường vẫn diễn ra sôi động trong các làng quê ở Thái Bình vào dịp đầu xuân.

Giá chầu Bát Nạn Tiên La của thanh đồng Đặng Vũ Trần Nhã, Hội trưởng Hội Thanh đồng đạo quan tỉnh tại liên hoan hát văn, hát chầu văn tỉnh Thái Bình. Ảnh tư liệu

Thuở trước, Thái Bình là một trong những địa phương có nhiều phường hội hát cung văn phục vụ nghi lễ hầu đồng ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Cung văn là một nghề hát. Trong truyền thống, Thái Bình từng có những cộng đồng hành nghề cung văn theo phường, hội như các giáo phường ca trù hoặc các gánh chèo.

Trong các hình thức tín ngưỡng dân gian ở Thái Bình, tục thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần được xem là phổ biến nhất. Nếu không kể đến những am, phủ, điện thờ Mẫu, hoặc thờ Đức Thánh Trần ở các tư gia thì dường như không có làng xã nào không có đền Mẫu, phủ Mẫu, trong quần thể đình, đền, chùa, miếu của làng. Ở những thiết chế tín ngưỡng này thường có tục hầu bóng hát văn vào dịp đầu xuân. Ở những nơi có tục thờ tam phủ, tứ phủ thì tục hầu bóng hát văn thường được tổ chức có quy mô, bài bản hơn. Có thể kể đến một số trung tâm hầu bóng hát văn lớn hiện đang thu hút các gánh đồng nhiều vùng miền trong nước về chầu hầu là: Đền Đồng Bằng, đền Đợi (Quỳnh Phụ); đền Tân La, đền Phú Hà (Hưng Hà); đền Cửa Lân (Tiền Hải); đền Chòi, đền Hệ, đền Thuận Nghĩa, đền Vô Hối (Thái Thụy); đền Mộ Đạo (Kiến Xương), đền Bổng Điền (Vũ Thư)...

Trong số các trung tâm hát văn hầu bóng ở Thái Bình thì ở đền Đồng Bằng là nơi thường xuyên hội tụ những gánh đồng lớn từ các tỉnh thành về chầu hầu. Theo tâm thức của người Việt là “tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. Tháng tám giỗ Cha (đức vua cha Bát Hải) ở đền Đồng Bằng, tháng ba giỗ Mẹ (đức Mẫu Liễu Hạnh) ở đền Phủ Giầy đã làm cho hai nơi này là hai trung tâm hát văn hầu bóng lớn vào bậc nhất của Việt Nam. Những năm gần đây, lịch đăng ký của những gánh đồng lớn trong nước tại các ban chầu ở đền Đồng Bằng vào những tháng xuân thường được đăng ký từ những tháng cuối năm trước.

Làng Đồng Bằng xưa có tên là Đào Động, vốn là một làng chèo. Hầu hết các nghệ nhân hát văn của làng này đều là những người sành về nghệ thuật đàn hát chèo cổ. Lối hát văn của Đồng Bằng ảnh hưởng sâu đậm nghệ thuật chèo với các kiểu xuyên tâm, lơi nhịp, đảo phách, bẻ làn, nắn điệu. Nếu cái hay của nghệ thuật hát chèo là độ vang, rền, nền, nẩy của từng người hát thì nghệ thuật nẩy, rung, nhấn trong lối hát văn theo tài năng riêng của mỗi nghệ nhân hát văn ở Đồng Bằng từng đã tạo được lối diễn xướng tinh tế, thanh tao mà sôi động là dễ nhận ra.

Theo lời kể của một số nghệ nhân hát văn cao tuổi ở Thái Bình thì từ trước cách mạng Tháng Tám  1945, cung văn vốn là một nghề cha truyền, con nối phổ biến ở làng Đồng Bằng. Những người hành nghề đàn hát cung văn không chỉ phục vụ cho việc hầu bóng tại đền Đồng Bằng mà các tay đàn, giọng ca của nam, phụ, lão, ấu làng này đã đi “kiếm ăn” ở nhiều hội vùng, hội làng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Từ sau năm 1954, hát văn bị mai một dần vì hầu đồng bị coi là mê tín dị đoan, bị cấm đoán. Khá nhiều nghệ nhân chuyên làm nghề cung văn ở làng Đồng Bằng bỏ đàn hát và đã lần lượt qua đời vào những năm thuộc nửa cuối thế kỷ XX. Cũng như tình trạng chung trong cả nước, nghệ thuật hát văn tuy vẫn còn được duy trì ở làng Đồng Bằng nhưng hát văn để phục vụ cho hầu bóng trong những không gian thiêng chỉ là lén lút còn công khai là những bài hát văn với lời mới thường dùng để biểu diễn trên sân khấu hoặc phát trên sóng phát thanh phục vụ công tác tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị theo từng thời kỳ, thời điểm. Khoảng 30 năm trở lại đây, từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, cách nghĩ, cách nhìn về hội hè cổ truyền và cách ứng xử với tín ngưỡng tôn giáo trong đó có việc ứng xử với những người chuyên hoạt động hầu bóng, hát văn được cởi mở, thông thoáng hơn thì nghệ thuật hát văn lại có đất sống và dần dà đã được khuyến khích khôi phục, bảo lưu. Các trung tâm hầu bóng hát văn ở Phủ Giầy (Nam Định), Đồng Bằng (Thái Bình) và một vài nơi khác như Vĩnh Phúc, Hà Nội... không còn bị cấm đoán gắt gao và có xu hướng ngày thêm sôi động. Các nghệ nhân của làng Đồng Bằng lại có cơ hội truyền nghề cho con cháu trong mỗi gia đình, dòng họ.

Tục hầu bóng hát văn ở đền Đồng Bằng thuở trước vốn chỉ tập trung vào tháng tám và nô nức, đua chen vào những ngày hội. Những năm gần đây diễn ra quanh năm. Các gánh đồng từ khắp các tỉnh thành phía Bắc và miền Trung thường về chầu vào ngày rằm, mồng một hàng tháng và thứ bảy, chủ nhật hàng tuần nhưng đông nhất vẫn là những tháng xuân và tháng tám âm lịch.        

Về sở trường và trình độ nghệ thuật hát văn của làng Đồng Bằng hiện tại có thể thấy rõ hai lớp tuổi có hai thế mạnh rõ rệt. Các nghệ nhân làm nghề cung văn ở làng Đồng Bằng từ độ tuổi 60 trở lên khá thuần thục với các làn điệu cổ. Thuần thục hơn cả là hát chầu với các làn điệu kiều bóng, xá bằng, xá lệch. Hát quan với hát giọng, hát phú (phú nói, phú chênh, phú hãm, phú bình, phú kiều dương...). Mỗi nghệ nhân có cách luyến láy, bẻ nhịp hoặc tài đàn riêng. Phần đông là lớp đang hành nghề hiện tại có độ tuổi khoảng từ 30 - 50 tuổi vốn được đào tạo theo lối truyền nghề ở mỗi gia đình và họ thường đi hát chầu theo lời mời của các gánh đồng đi hầu ở tứ xứ nên buộc họ phải hát hay, đàn ngọt ở cả 36 giá đồng với các lối hát mang chất dân ca của từng vùng miền nhưng do được truyền nghề từ “lò hát văn” Đồng Bằng nên dù hát ở bất kỳ đền, phủ nào thì lối hát mang sắc thái riêng của các cung văn làng Đồng Bằng vẫn dễ nhận ra. Đó chính là điều mà dân sành điệu hát văn ở làng Đồng Bằng vẫn tự hào về  “mẹo đàn hát” của người làng mình.

Bước đầu tìm hiểu văn bản lời ca hát văn ở hội đền Đồng Bằng chúng tôi thấy có một số văn bản có lẽ là của riêng ở Đồng Bằng vì ngoài những lời ca phổ biến ở Phủ Giầy thờ mẫu, ở Kiếp Bạc thờ Đức Thánh Trần và các đền phủ khác trong Nam ngoài Bắc thì ở Đồng Bằng còn có những bài Tam vị Đức vua, Đức vua đệ nhất... đây là những bài trực tiếp ca tụng hành trạng, công đức của các vị thần được thờ tại đền. Những bài này có sắc thái riêng kể cả lời ca và giai điệu, khó pha trộn với các bài hát văn ở nơi khác.

Tục hầu bóng hay còn gọi là hầu đồng, lên đồng đã từng bị cấm đoán từ hơn nửa thế kỷ qua. Đến nay nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hy vọng di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ sẽ được bảo tồn và phát huy, đúng với tố chất nhân văn trong sáng của một mỹ tục cổ truyền và mỗi dịp xuân về, các làng quê lại sôi động tục hát văn.

Nguyễn Thanh
(Kiến Xương)