Thứ 6, 05/07/2024, 17:25[GMT+7]

Rét đậm ảnh hưởng đến một số diện tích mạ

Thứ 6, 11/02/2022 | 09:06:16
1,646 lượt xem
Ảnh hưởng của đợt rét đậm kéo dài những ngày qua khiến một số diện tích mạ của các địa phương có hiện tượng vàng úa, héo từng chòm.

Giống lúa T10 gieo bằng khay tại xã Thanh Tân (Kiến Xương) bị chết chòm.

Vụ xuân năm 2022, xã Thanh Tân (Kiến Xương) gieo cấy gần 300ha. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, ngay sau những ngày nghỉ tết Nguyên đán, nông dân khẩn trương xuống đồng làm đất, gieo cấy lúa xuân. Ước toàn xã có khoảng 30% diện tích (100ha) cấy bằng máy. Tuy nhiên, thời tiết rét đậm những ngày tết Nguyên đán khiến một số diện tích mạ gieo bằng khay có hiện tượng chết cục bộ, tập trung ở giống lúa T10. 

Ông Nguyễn Thế An, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Qua kiểm tra, mạ đang ở giai đoạn từ 1,5 - 3 lá và giá thể gieo vẫn giữ độ ẩm bình thường nhưng có biểu hiện héo từng chòm và loang rộng. Kiểm tra không thấy các loại rầy, rệp và vết bệnh do vi sinh vật gây hại. Hiện tượng này xảy ra cục bộ tại giống lúa T10 được gieo bằng khay phục vụ cấy máy. Theo chúng tôi nhận định, nguyên nhân mạ chết chòm do giống T10 chịu rét kém, dù được che phủ nilon nhưng gặp thời tiết rét đậm kéo dài, biên độ nhiệt ngày đêm và ẩm độ không khí luôn cao. Để bảo đảm đủ lượng mạ phục vụ gieo cấy, ngay từ đầu vụ, HTX đã khuyến cáo nông dân xử lý giống trong giai đoạn ngâm ủ, gieo tăng mạ dự phòng đồng thời sử dụng nilon quây giữ ấm cho mạ, tránh sâu bệnh và chuột phá hại. Trước dự báo thời tiết còn duy trì các đợt rét, HTX tuyên truyền đến người dân chỉ cấy khi nhiệt độ trên 15oC, trước khi cấy cần mở nilon che úm vào ban ngày khi thời tiết ấm, đưa mạ ra ruộng trước từ 1 - 2 ngày để cây mạ thích nghi với môi trường. Khi mạ có hiện tượng úa lá, chết chòm tuyệt đối không được bón đạm, sử dụng chế phẩm siêu ra rễ phun, tưới để kích thích bộ rễ phát triển.

Không chỉ xảy ra ở diện tích mạ gieo bằng khay, hiện tượng mạ chết chòm cũng được ghi nhận tại các chân dược dù được che chắn nilon kỹ càng. 

Bà Lê Thị Thắm, xã Đông Hợp (Đông Hưng) cho biết: Vụ xuân năm nay gia đình tôi cấy 5 sào ruộng bằng các giống lúa kháng đạo ôn. Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều hộ trong vùng đều chọn mua giống tại đại lý uy tín, sử dụng nilon trắng để chống rét và bảo vệ mạ nhưng qua kiểm tra vẫn xảy ra tình trạng từng chòm mạ bị úa lá rồi thui chột dần. Nhận định mạ chết do quá trình gieo không sử dụng phân chuồng hoai mục mà bón phân có lượng đạm cao. Khi cây mạ phát triển thường rất non, do đó khi trời rét đậm kéo dài, sức đề kháng của cây kém dẫn đến hiện tượng chết.

Kỹ sư Trần Thị Doanh, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Những diện tích mạ có biểu hiện mạ biến vàng thành từng chòm, nhổ lên thấy rễ đen sau đó lụi và lan dần ra diện tích rộng hơn, bà con cần đưa mạ ra ruộng cấy ngay nếu mạ đã đủ tuổi và thời tiết ấm, nhiệt độ trên 15oC. Nếu chưa có ruộng cấy hoặc mạ còn non cần gửi mạ ra ruộng hoặc be bờ xung quanh luống mạ, đưa nước sạch vào ngâm qua một đêm, hôm sau tháo hết đi, làm liên tiếp 2 - 3 lần. Sau đó xử lý bằng nước vôi trong kết hợp phun chế phẩm Pennac P; siêu lân và thuốc phòng, trừ khô vằn như Anvill, Validacin... sẽ hạn chế mạ bị chết chòm.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, vụ xuân năm 2022 được dự báo là vụ xuân nghiêng lạnh, nhiệt độ trung bình thấp hơn cùng kỳ các năm, các đợt rét đậm, rét hại chủ yếu xuất hiện trong tháng 2, trùng với thời kỳ gieo cấy và chăm sóc lúa. Qua điều tra, đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, rét đậm không chỉ ảnh hưởng đến mạ (chết chòm cục bộ, sinh trưởng chậm, trắng đầu lá) mà nhiều diện tích lúa trà sớm đã gieo cấy tập trung tại các huyện Hưng Hà, Đông Hưng đang trong giai đoạn đầu đẻ nhánh phát triển chậm. 

Để sản xuất vụ xuân giành thắng lợi trong điều kiện nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân tập trung các biện pháp chăm sóc, bảo vệ: đối với diện tích lúa đã gieo cấy, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, có biện pháp phòng, chống rét kịp thời; duy trì mực nước nông trên mặt ruộng từ 2 - 3cm với phương châm “lấy nước làm áo”, tuyệt đối không bón đạm đơn, phun thuốc bảo vệ thực vật khi nhiệt độ dưới 15oC, nếu lúa bị chết phải tiến hành dặm lại để bảo đảm mật độ và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm. Bón phân theo phương châm “lót sâu, thúc sớm” khi nhiệt độ bảo đảm; chủ động phòng, trừ các đối tượng dịch hại theo nguyên tắc “4 đúng”. Đối với diện tích mạ chưa cấy, tập trung các dụng cụ, phương tiện che chắn chống rét cho mạ bằng vòm che nilon, tưới đủ nước để giữ ấm cho mạ, không bón đạm đơn trong những ngày trời rét, bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp để chống rét cho mạ, tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ xuống dưới 15oC. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động và sẵn sàng nguồn giống dự phòng, ưu tiên sử dụng những giống ngắn ngày để gieo cấy trong khung thời vụ thích hợp.


Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày