Chủ nhật, 30/06/2024, 03:18[GMT+7]

Tái đàn vật nuôi sau tết

Thứ 6, 11/02/2022 | 09:09:29
1,323 lượt xem
Sau tết Nguyên đán, đàn gia súc, gia cầm thương phẩm trên địa bàn tỉnh giảm nhiều do đã được xuất bán để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, tái đàn sau tết là việc quan trọng giúp chăn nuôi khôi phục sản xuất, bảo đảm nguồn cung.

Sử dụng bóng điện để sưởi ấm cho gia cầm non.

Để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết Nguyên đán, gia đình ông Lương Đức Chiến, xã Vũ Đoài (Vũ Thư) đã xuất bán khoảng 1.000 con gà. Ngay sau khi xuất bán, ông Chiến đã vệ sinh hệ thống chuồng trại để chuẩn bị các điều kiện cho việc tái đàn. 

Ông Chiến cho biết: Việc tái đàn thường được tập trung khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, đây là thời điểm giao mùa, các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát triển nên ngoài việc nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn vật nuôi thì cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, đối với hệ thống chuồng trại, tôi thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, xới lớp độn chuồng và xử lý chất thải theo đúng quy định. Khơi thông cống rãnh, tránh để ẩm ướt; toàn bộ nền chuồng, sàn, tường, sử dụng vòi tăng áp bơm nước rửa sạch nền, vách tường, chuồng nuôi... hạn chế tối đa điều kiện để phát sinh dịch bệnh. Đồng thời, sử dụng hóa chất và vôi bột để vệ sinh chuồng trại trước khi đưa con giống vào nuôi, vệ sinh sạch sẽ các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi. Đối với con giống, tôi chọn mua tại các lò ấp uy tín để bảo đảm con giống khỏe, được tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết, nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi bệnh trước khi cho nhập đàn.

Năm 2021 là một năm nhiều khó khăn với người chăn nuôi xã Vũ Bình (Kiến Xương) khi giá lợn không ổn định, giá cám tăng cao cùng với diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Bà Phan Thị Tươi, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Địa phương có gần 200 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 1.000 con. Hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế triệt để, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát, do vậy chúng tôi khuyến cáo bà con cần tái đàn trong khuôn khổ cho phép, trên cơ sở bảo đảm các yếu tố phòng dịch để hạn chế rủi ro, đồng thời cùng với cán bộ chuyên môn của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện thường xuyên bám sát cơ sở, hỗ trợ bà con trong quá trình nuôi.

Năm 2022, ngành chăn nuôi phấn đấu giá trị sản xuất tăng trưởng 2,2% so với năm 2021; phục hồi chăn nuôi lợn với tổng đàn khoảng 1,1 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 224.000 tấn; đàn gia cầm duy trì khoảng 13,4 triệu con, trong đó đàn gà chiếm khoảng 80%, sản lượng thịt gia cầm hơi đạt 70.000 tấn; đàn trâu, bò phấn đấu đạt 64.000 con, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt 12.186 tấn. Để thực hiện được mục tiêu này, cùng với ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương đang chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Ông Phạm Văn Lý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Sau tết, số lượng gia súc, gia cầm thương phẩm giảm nhiều do giết mổ cung cấp thực phẩm trong tết, vì vậy việc bảo đảm an toàn dịch bệnh, tái đàn và phát triển chăn nuôi của người dân là nhu cầu tất yếu. Sau tết cũng là thời điểm giao mùa, lạnh, ẩm làm giảm sức đề kháng đàn vật nuôi, dễ phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi... Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, thực hiện tốt việc tái đàn vật nuôi đáp ứng mục tiêu, kế hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh đề ra, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn chỉ đạo thực hiện tái đàn, phát triển chăn nuôi sau tết. 

Trong đó, đề nghị các huyện, thành phố rà soát, thống kê số lượng, sản lượng, đánh giá cơ cấu đàn gia súc, gia cầm tại địa phương làm cơ sở xây dựng kế hoạch sát đúng, tránh tái đàn tự phát, ồ ạt, không theo định hướng, không sát với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, các địa phương cần hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm ngặt các phương pháp vệ sinh sau khi xuất bán vật nuôi thực hiện tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, dung dịch sát khuẩn... chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng nhằm tiêu diệt mầm bệnh lây lan. Đồng thời, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý chất thải, sát trùng dụng cụ chăn nuôi. Cải tạo chuồng trại bảo đảm cao ráo, thoáng mát, tránh mưa tạt, gió lùa. Cần có thời gian để trống chuồng ít nhất 2 tuần trước khi nuôi lứa mới. 

Khi nhập giống gia súc, gia cầm từ ngoài tỉnh cần kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch, không nhập con giống không rõ nguồn gốc hay con giống ở vùng có dịch để tránh thiệt hại và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh trên địa bàn. Đối với gia súc, gia cầm non cần chú ý sưởi ấm, nhất là vào ban đêm, có thể sử dụng bóng điện, bóng hồng ngoại... đồng thời bổ sung thêm chất độn chuồng như trấu, mùn cưa, rơm rạ... để giữ ấm. Cung cấp thức ăn, nước uống sạch sẽ, khẩu phần ăn bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng; vào những thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột cần bổ sung vitamin, men tiêu hóa... để nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày