Thứ 6, 27/12/2024, 01:57[GMT+7]

Làm gì để bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước thời tiết khắc nghiệt?

Thứ 3, 22/02/2022 | 21:18:37
1,722 lượt xem
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi đưa ra những lưu ý cho người dân trong bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong điều kiện rét đậm, rét hại đang diễn ra ở các tỉnh phía bắc.

Chủ động nhiều biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ tháng 12/2021 đến nửa đầu tháng 2/2022, nước ta đã xảy ra 9 đợt không khí lạnh. Trong đó, đợt rét hại, băng giá từ ngày 19/2 đến nay là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa, mạnh nhất trong 40 năm cùng thời kỳ; nhiệt độ thấp nhất là tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -1oC, thấp kỷ lục cùng thời kỳ. 

Chiều 22/2, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ và khu vực Nghệ An đã làm: 1.591 con gia súc bị chết (978 con trâu, 465 con bò; 148 gia súc khác). Trong đó Hà Giang: 16 con; Lào Cai: 139 con; Lai Châu: 13 con; Điện Biên: 44 con; Lạng Sơn: 166 con; Cao Bằng: 97 con; Sơn La: 393 con; Yên Bái: 38 con; Bắc Kạn: 127 con...

Trong khi theo cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều 22/2, một vùng không khí lạnh mạnh tăng cường đã di chuyển xuống tới khu vực miền núi phía bắc nước ta.

Từ ngày 23/2, không khí lạnh mạnh bổ sung (có đặc tính khô hanh) sẽ tiếp tục bao trùm toàn bộ Bắc Bộ, ảnh hưởng tới Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ. Lần này, nhiều nơi có nắng nhưng rét tái tê. Nhiệt độ Hà Nội và nhiều nơi ở đồng bằng sông Hồng tiếp tục giảm sâu xuống mức 8-9oC. Trên vùng núi cao tiếp tục xảy ra băng giá hoặc tuyết, nhiệt độ 3-4oC hoặc dưới 0oC.

Khu vực phía bắc hiện có 1,8 triệu con trâu và 2,31 triệu con bò, chiếm lượng lớn gia súc của cả nước. Đây cũng là tài sản lớn của người dân nên việc phòng chống đói, rét rất được quan tâm.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, qua nhiều năm ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại nên khu vực miền núi phía bắc đã có kinh nghiệm và nhiều tiến bộ trong việc chống rét cho đàn gia súc.

Nhìn lại năm 2007-2008 có những lúc rét đậm, rét hại kéo dài đến hơn 30 ngày làm chết trên 200.000 con gia súc, năm 2011-2012 cũng phải tiêu huỷ và chết trên 100.000 con gia súc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Rút kinh nghiệm từ những đợt rét trên, trước khi vào mùa đông, Bộ NN&PTNT luôn có văn bản chỉ đạo phòng chống rét cho vật nuôi. Cụ thể, ngay từ ngày 29/9/2021, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản gửi các tỉnh phía bắc về việc phòng chống rét cho chăn nuôi, tập trung vào trâu bò. Ngày 14/12/2021, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị liên quan vấn đề này và giao Cục Chăn nuôi cùng Tổng cục Phòng chống thiên tai đi kiểm tra, đôn đốc việc phòng chống rét trên vật nuôi".

Công tác kiểm tra cho thấy nhiều tỉnh hỗ trợ người dân xây dựng chuồng trại, che bạt… nhưng trong trường hợp rét đậm chỉ còn vài độ, thậm chí có nơi có tuyết thì việc này cần được làm bài bản hơn. "Trong quá trình chăm sóc vật nuôi đặc biệt chú ý nền chuồng, vì sẽ ảnh hướng đến móng vật nuôi nếu bị lạnh và môi trường chất thải không được xử lý sạch. Nếu nhiệt độ dưới 12 độ thì không chăn thả. Bên cạnh đó, vào mùa đông không có thức ăn xanh thì phải có rơm rạ phơi khô, thức ăn tinh cũng phải được chuẩn bị kỹ để tránh cho vật nuôi bị đói dẫn đến không chống chịu được rét…", Thứ trưởng Tiến lưu ý.

Từ quá trình kiểm tra và tổng kết thực tiễn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, nhận thức của người chăn nuôi đã tăng và các giải pháp kỹ thuật phòng chống đói, rét cho vật nuôi đã có hiệu quả. Đến ngày hôm nay chưa có địa phương nào báo cáo bị thiệt hại nặng do trâu bò bị chết đói, chết rét.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết thêm: "Trong những năm qua, đã tổng kết được nhiều yếu tố kỹ thuật và mô hình thành công trong việc phòng chống đói, rét cho gia súc. Chúng tôi sẽ chỉ đạo Cục Chăn nuôi phối hợp với các đơn vị khuyến nông để thông tin các mô hình này đến các địa phương".

Bảo vệ diện tích gieo cấy trong đợt rét mạnh nhất

Về tình hình cây trồng trong đợt rét này, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía bắc gieo cấy được khoảng 65% kế hoạch. 

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Tồng trọt cho biết, để tránh tình trạng cây trồng bị thiệt hại do rét đậm, rét hại, Cục đã đưa ra nhiều khuyến cáo với các địa phương. Cụ thể, đối với diện tích lúa đã gieo sạ, người dân cần thường xuyên kiểm tra, có biện pháp phòng chống rét cho lúa kịp thời; duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa từ 2-3 cm, không bón đạm cho lúa trong những ngày trời rét, nếu lúa bị chết phải dặm lại và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm. Tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15 độ C.

Đối với diện tích chưa gieo mạ, các Sở NN&PTNT cần tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo chặt chẽ thời điểm ngâm ủ, gieo mạ theo lịch thời vụ, kế hoạch sản xuất và diễn biến của thời tiết; tránh tình trạng để nông dân gieo mạ lúc rét đậm, rét hại.

Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương tập trung gieo cấy, kết thúc trước ngày 28/2. Riêng một số tỉnh miền núi phía bắc, có thể kéo dài nhưng không quá ngày 5/3 để đảm bảo lúa sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt là giai đoạn làm đòng, trỗ bông trong điều kiện nhiệt độ, ánh sáng tốt nhất. Các địa phương cần chuẩn bị tốt điều kiện làm đất, vật tư để khẩn trương gieo cấy tập trung theo lịch thời vụ đã xác định ngay khi có đủ nguồn nước và thời tiết thuận lợi.

Đối với sản xuất rau màu, Cục trưởng Cục Trồng trọt lưu ý, cần thu hoạch kịp thời cây vụ đông đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng; chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây màu vụ xuân như lạc, ngô, dưa chuột, bí xanh… Không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết rét đậm. Với diện tích rau trên đất chuyên màu đã thu hoạch, người dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị hạt giống rau các loại, đảm bảo chất lượng để tiếp tục gieo trồng ngay trên diện tích mới thu hoạch càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo nguồn rau cung cấp cho thị trường.

Cục Trồng trọt cũng nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn cho diện tích lúa vụ Đông Xuân mới gieo cấy và điều chỉnh linh hoạt thời gian gieo cấy diện tích lúa vụ Đông Xuân còn lại. Cụ thể, với cây lúa xuân, khi xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ dưới 15 độ C tuyệt đối không cấy. Đối với mạ đã gieo, phải che phủ kín bằng nylon trắng cho 100% diện tích, bón bổ sung tro bếp trên mặt luống để giữ ấm cho mạ. Với phần dược mạ non, phải đảm bảo giữ đủ ẩm cho mạ, giữ nước xăm xắp mặt ruộng, khi dược mạ đã lên xanh tốt cần giữ nước ngập 1/3-1/2 cây mạ.

Khi nhiệt độ tăng lên trên 15 độ C, cần kiểm tra lại các diện tích đã gieo cấy, nếu ảnh hưởng phải có phương án cấy dặm hoặc gieo lại. Nếu không bị ảnh hưởng thì chăm sóc kịp thời kết hợp bón phân kali, phân lân (không bón phân đạm), kết hợp duy trì mực nước trên ruộng hợp lý để lúa sinh trưởng thuận lợi, đẻ nhánh sớm, không để ruộng lúa bị hạn. Với diện tích mạ đã gieo, khi nhiệt độ lên trên 15 độ C, có thể mở 2 đầu luống cho thoáng nhưng không được mở hoàn toàn, tránh sốc nhiệt. Bên cạnh đó, cấp bổ sung dinh dưỡng bằng bón phân qua lá như các chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân vi lượng... 

Đối với rau màu, trong thời gian rét đậm, rét hại, khi thời tiết dưới 15 độ C cần tập trung thu hoạch đối với các diện tích đã đến hoặc gần đến kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng, không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết còn rét đậm, rét hại.

Ông Cường cũng cho biết, các địa phương đều có những hướng dẫn cụ thể sát với điều kiện tự nhiên tại khu vực của mình để hạn chế tối đa thiệt hại từ thời tiết, nên trước mắt hầu hết các diện tích gieo trồng vẫn được đảm bảo trong thời tiết này.

Theo baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày