Thứ 2, 25/11/2024, 03:27[GMT+7]

Phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030

Thứ 3, 22/03/2022 | 10:04:54
949 lượt xem
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030.

Ảnh minh họa.

Mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể của Chiến lược là đảm bảo nguồn lực tài chính ngân sách góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng. Cụ thể, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân không thấp hơn 16% GDP và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 16 -17% GDP. Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 13 - 14% GDP và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 14 - 15% GDP.

Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước đến năm 2025 khoảng 85 - 86%, đến năm 2030 khoảng 86 - 87%.

Quản lý chi ngân sách nhà nước hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; ưu tiên chi đầu tư phát triển và đảm bảo nguồn lực cho chi trả nợ, tăng cường nguồn lực ngân sách nhà nước cho dự trữ quốc gia, tăng chi đầu tư phát triển con người và bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước bình quân khoảng 62 - 63%, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước bình quân khoảng 28%. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%. Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tích lũy từ ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển.

Giai đoạn 2021 - 2030, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước để sẵn sàng ứng phó nhanh, hiệu quả trong các tình huống đột xuất, cấp bách và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Quyết định nêu rõ 3 đột phá chiến lược tài chính gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ và hội nhập; thực hiện đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương; cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phát triển thị trường tài chính hiện đại, minh bạch và bền vững;

Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số;

Khơi thông và phát huy tiềm lực tài chính cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo vtv.vn