Thứ 7, 21/12/2024, 23:45[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về Kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo và Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa

Thứ 3, 24/05/2022 | 17:09:26
12,436 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 24/5, Quốc hội thảo luận Tổ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia Tổ thảo luận số 19 gồm các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Bình Dương. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm Tổ trưởng, chủ trì buổi thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu thảo luận tại Tổ.

Dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư năm 2004. Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km; đi qua 28 tỉnh, thành phố. Dự án dự định sẽ thông tuyến vào năm 2010. Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Công trình đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy vậy, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi theo yêu cầu của Nghị quyết. Do đã hết giai đoạn phân kỳ đầu tư, cần triển khai giai đoạn phân kỳ đầu tư mới nên việc Chính phủ xây dựng báo cáo tổng kết là cần thiết để trình Quốc hội xem xét, đánh giá và quyết định chủ trương, định hướng đầu tư cho giai đoạn mới. 

Đối với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia vào một số nội dung như các quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó vào phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. 

Thảo luận tại Hội trường, các ý kiến cơ bản tán thành cho rằng công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh có nhiều đổi mới, tiến bộ và kết quả tích cực. Tuy vậy, một số hạn chế, bất cập tồn tại từ lâu vẫn chưa được khắc phục, như: một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo quy định; việc gửi hồ sơ không ít trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch. Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm. 

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu vấn đề về kết quả triển khai Luật Bảo hiểm Y tế năm 2014 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế, là cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển bảo hiểm y tế, thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập. Để kịp thời đáp ứng với tình hình thực tế cũng như bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu kiến nghị các cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện hồ sơ bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế để phù hợp với các quy định tại các luật có liên quan sẽ được sửa đổi trong thời gian tới như Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giá để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh)