Thứ 4, 01/05/2024, 02:13[GMT+7]

Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng

Thứ 6, 27/05/2022 | 08:51:20
5,174 lượt xem
Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số (CĐS), thời gian qua, ngành ngân hàng đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chương trình CĐS quốc gia cũng như các văn bản của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về CĐS, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện nhằm tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của toàn ngành trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành ngân hàng đã giúp Công ty TNHH May mặc V.J.One (xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng) thuận lợi hơn trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng.

Ngân hàng số hỗ trợ khách hàng

Là khách hàng của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh tỉnh, trước đây, để thực hiện các giao dịch với ngân hàng, chị Vũ Thị Thúy (phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình) đều phải đến trụ sở ngân hàng; nhưng từ tháng 1/2022, khi Chi nhánh triển khai ứng dụng ngân hàng số Co-opBank mobile banking trên thiết bị di động, chị Thúy đã có thể sử dụng các dịch vụ ngay trên điện thoại di động của mình mà không cần phải đến ngân hàng nữa. Chị chia sẻ: Việc triển khai ứng dụng ngân hàng số Co-opBank mobile banking trên thiết bị di động rất phù hợp và cần thiết. Thông qua ứng dụng tôi có thể thanh toán được tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, chuyển tiền... một cách nhanh chóng và tiện lợi.

Đối với Công ty TNHH May mặc V.J.One (xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng), việc đẩy mạnh CĐS của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Kỹ thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình (Techcombank Thái Bình) đã giúp Công ty rất nhiều trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán và trả lương cho người lao động. 

Ông Chris Lee, Giám đốc Công ty chia sẻ: Công ty có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên may quần âu xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc nên dịch vụ thanh toán quốc tế, giao dịch ngoại hối qua ngân hàng được Công ty sử dụng rất thường xuyên. Trong quá trình sử dụng các dịch vụ, chúng tôi rất hài lòng bởi ngoài sự tận tình hướng dẫn của cán bộ, nhân viên, thời gian qua ngân hàng cũng tích cực đổi mới công nghệ, chính vì thế các hoạt động thanh toán quốc tế, giao dịch ngoại hối, trả lương cho người lao động của Công ty được thực hiện rất nhanh chóng, dễ dàng, giảm thiểu được thời gian giao dịch tại quầy. Ngoài dịch vụ thanh toán và trả lương cho người lao động, Công ty còn được Techcombank Thái Bình tạo điều kiện cho vay vốn duy trì và phát triển sản xuất, từ đó tạo việc làm ổn định cho 1.300 lao động với thu nhập trung bình từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Nhân viên Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình hướng dẫn khách hàng sử dụng ứng dụng F@st mobile trên điện thoại di động.

Tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng

Hưởng ứng chiến lược CĐS quốc gia và thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặc biệt là tiến tới phát triển một hệ thống ngân hàng hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã từng bước đổi mới công nghệ, phát triển và ứng dụng tin học vào các hoạt động nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, nhất là dịch vụ thanh toán. 

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình (Vietcombank Thái Bình), CĐS được xác định là khâu đột phá chiến lược, quyết định việc duy trì năng lực cạnh tranh nên Chi nhánh đã chú trọng thực hiện nhiều chính sách như: ưu đãi về phí khi khách hàng sử dụng và thực hiện các giao dịch trên kênh ngân hàng số; xây dựng nhiều lớp bảo vệ, sử dụng mã xác thực smart OTP, hard token nhằm bảo đảm an toàn trong mọi giao dịch từ ngân hàng số. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên cải tiến và đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng số như: tháng 4/2020 triển khai dịch vụ digibank đối với khách hàng cá nhân trên cơ sở hợp nhất nền tảng công nghệ của mobile banking và internet banking; năm 2021 phát triển dịch vụ ngân hàng số digibiz đối với khách hàng doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ eKYC trong nhận diện khuôn mặt và giấy tờ định danh để mở tài khoản trực tuyến cho khách hàng, đăng ký dịch vụ digibank trực tuyến, quét mã QR để thanh toán hóa đơn, quét mã QR để thực hiện giao dịch tại cây ATM mà không cần sử dụng thẻ.

Còn với Techcombank Thái Bình, sau hơn 12 năm hoạt động trên địa bàn tỉnh đơn vị đã tạo dựng được uy tín với khách hàng, được khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ. 

Ông Phạm Đức Dương, Giám đốc Techcombank Thái Bình cho biết: Với định hướng chiến lược lấy khách hàng là trọng tâm, Chi nhánh luôn ưu tiên triển khai các dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại, từ đó làm cho các giao dịch ngân hàng ngày càng trở nên đơn giản, dễ sử dụng, giảm thiểu thời gian xử lý cho khách hàng thông qua các ứng dụng như F@st mobile dành cho khách hàng cá nhân, nền tảng cho vay thế hệ mới smart credit rút ngắn thời gian từ giai đoạn thu thập hồ sơ đến phê duyệt và giải ngân cho vay. Từ đầu năm đến nay, tổng doanh số thanh toán của Techcombank Thái Bình đạt gần 100 tỷ đồng, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 85%.

Không chỉ có các ngân hàng, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cũng tích cực CĐS theo chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ, ngành ngân hàng và của tỉnh. Là “Ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân”, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh tỉnh luôn xác định việc áp dụng công nghệ hiện đại là giải pháp quan trọng tạo nền tảng để phát triển các sản phẩm bán lẻ trên kênh số. Tháng 1/2022, Chi nhánh đã triển khai ứng dụng ngân hàng số Co-opBank mobile banking trên thiết bị di động tới khách hàng, cán bộ, nhân viên ngân hàng và các thành viên của quỹ tín dụng nhân dân. Sự đột phá đó đã tạo bước ngoặt quan trọng giúp người dân ở khu vực nông thôn tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại chỉ với chiếc điện thoại thông minh như: chuyển tiền trong cùng hệ thống, chuyển tiền nhanh 24/7 liên ngân hàng qua số tài khoản/số thẻ, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn, thanh toán nhanh bằng mã QR-PAY, đặt vé máy bay, vé xem phim... Chỉ trong 3 tháng sau khi triển khai ứng dụng, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã đăng ký dịch vụ Co-opBank mobile banking cho 384 khách hàng, chiếm hơn 19% tổng số khách hàng mở tài khoản thanh toán với 2.222 giao dịch phát sinh, tổng giá trị hơn 98 tỷ đồng.

Việc triển khai mạnh mẽ công nghệ số trong hoạt động đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành ngân hàng. Đến hết tháng 5/2022, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 99.930 tỷ đồng, tăng 6% so với thời điểm 31/12/2021; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 81.700 tỷ đồng, tăng 8,7% so với thời điểm 31/12/2021; tổng doanh số thanh toán ước đạt hơn 739.000 tỷ đồng, tăng 39,96% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt chiếm khoảng 75%; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,7% tổng dư nợ cho vay (không bao gồm dư nợ, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thái Bình).


Minh Hương