Thứ 6, 27/12/2024, 00:18[GMT+7]

Quốc hội: Thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thứ 5, 02/06/2022 | 18:20:08
4,821 lượt xem
Chiều 2/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Các đại biểu đã tập trung phát biểu thảo luận về các vấn đề đã nêu trong báo cáo Chính phủ và các gợi ý thảo luận như việc lập và chấp hành dự toán quyết toán ngân sách năm 2020; thảo luận các nội dung về chính sách tài khóa, tính đầy đủ, chính xác, hợp lý, hợp pháp của số liệu kiểm toán, trong đó có cả quyết toán thu ngân sách nhà nước, quyết toán chi ngân sách nhà nước bao gồm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, phân bổ sử dụng dự phòng ngân sách trung ương, bội chi ngân sách và các khoản vay bù đắp bội chi…

Tham gia phát biểu thảo luận công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá trong năm 2021, mặc dù có những khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đã nhiều lần được chỉ ra là tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành vẫn chưa được khắc phục hoặc văn bản được ban hành rồi nhưng lại có những nội dung hướng dẫn còn bất cập, khó hiểu và khó áp dụng, hiệu lực và hiệu quả điều chỉnh thấp; gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với các đối tượng phải tuân thủ pháp luật, như: Lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro với hoạt động kinh doanh. Đồng thời gây cản trở đối với việc thực hiện pháp luật, làm giảm niềm tin vào pháp luật, tạo cơ hội phát sinh các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, nhất là trong thực hiện các công trình, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị kịp thời trình và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Trước mắt là các văn bản để kịp thời tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, các văn bản hướng dẫn triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ phục hồi kinh tế - xã hội.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, đầu tư công; qua các báo cáo, đại biểu nêu vẫn còn tình trạng phân bổ chậm hoặc phân bổ không đúng đối tượng, phải thực hiện cắt giảm chi thường xuyên của Chính phủ về phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương. Hạn chế này đã gây ra “nút thắt” đối với nền kinh tế mà một trong những hệ lụy của nó là gây lãng phí lớn khi ngân sách “nằm” ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn.

Về các giải pháp, Chính phủ đã xác định: Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị cao của Chính phủ trong đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhưng đại biểu kiến nghị cần phải có những giải pháp hết sức quyết liệt và cụ thể hơn nữa. Trước hết cần phải làm rõ nguyên nhân và xác định trách nhiệm, chỉ rõ các cơ quan, đơn vị liên quan làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua. Để thúc đẩy nội dung này, kiến nghị Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương rà soát, làm rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch. Đặc biệt, cần phải tập trung chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành trong việc tham mưu hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng cốt lõi, hệ thống định mức và đơn giá xây dựng làm chậm giải ngân đầu tư công và ảnh hưởng đến chi phí đầu tư công. Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm áp dụng những nội dung khả thi và hiệu quả đã đề ra, như: Quyết định việc cắt giảm kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2022 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2022 để điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương.

Trước đó, vào phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)