Thứ 6, 27/12/2024, 01:12[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về một số dự án luật trình kỳ họp

Thứ 4, 15/06/2022 | 15:14:39
11,897 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, sáng ngày 15/6, tại hội trường Diên Hồng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận.

Các ý kiến phát biểu thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành dầu khí, bảo đảm an ninh năng lượng, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đồng bộ hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về dầu khí, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Các đại biểu cũng cho ý kiến về một số nội dung cụ thể như về tên gọi, phạm vi điều chỉnh dự án luật, việc điều chỉnh các hoạt động trung, hạ nguồn dầu khí, chính sách thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, công tác tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí, căn cứ pháp lý để điều tra, khai thác các dạng năng lượng mới, phân công, phân cấp quản lý nhà nước về dầu khí,...

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong các hoạt động dầu khí, quy định tại dự thảo luật còn chưa thật cụ thể, dẫn đến khó để bảo đảm triển khai trong thực tiễn, chưa gắn được trách nhiệm nếu xảy ra sự cố về môi trường. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về việc kiểm tra, giám sát hợp đồng dầu khí và các hoạt động dầu khí, các quy định này nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, vì hầu như các mỏ đều nằm ở ngoài biển xa, muốn tới đó để kiểm tra, khảo sát tình hình sinh thái, môi trường biển quanh mỏ rất khó khăn. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho biết, về vấn đề trung nguồn, hạ nguồn dầu khí, Chính phủ đã có báo cáo tiếp thu, giải trình, tuy nhiên cần phải làm rõ cụ thể hơn, ví dụ như đang thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật nào và sắp tới có kiến nghị gì? Nếu các nội dung này quá rộng so với phạm vi dự án luật thì phải xem xét, có báo cáo chuyên đề riêng gửi tới đại biểu Quốc hội, vì những vấn đề thực tế trong cuộc sống, liên quan đến quốc kế, dân sinh như giá xăng dầu đang được nhân dân, cử tri đang hết sức quan tâm. Ngoài ra, đại biểu cũng đóng góp một số ý kiến về vấn đề chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong ngành dầu khí, vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ trong các hoạt động dầu khí.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình bày tỏ thống nhất cao với Chính phủ về mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong bối cảnh hoạt động dầu khí ngày càng khó khăn, phức tạp và nhất là những khu vực nước sâu xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh trên biển Đông. Do đó, dự thảo luật khi được ban hành phải đạt được mục đích ban hành được các chính sách thu hút đầu tư, bảo đảm tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế nhưng trên cơ sở hài hòa giữa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư. Dự thảo Luật Dầu khí lần này bổ sung rất nhiều quy định để nhằm thúc đẩy hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Đồng thời nêu rất rõ mục tiêu Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Tuy nhiên, dự thảo luật lại chưa quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích. Thậm chí khi đối chiếu với Chương VI về các chính sách ưu đãi đầu tư thì chính sách ưu đãi này chỉ áp dụng cho hoạt động dầu khí, mà hoạt động dầu khí thì không bao gồm hoạt động điều tra cơ bản. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét có nên áp dụng các biện pháp khuyến khích ưu đãi đầu tư tại Chương VI đối với hoạt động điều tra cơ bản hay không. Trong trường hợp không áp dụng thì nên thiết kế ngay trong luật này những cơ chế, chính sách để áp dụng đối với hoạt động điều tra cơ bản. Đồng thời cần đặc biệt lưu ý đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Đại biểu cho biết thêm các chính sách ưu đãi đối với hoạt động dầu khí trong dự thảo luật hiện nay chỉ dừng lại ở thiết kế mức ưu đãi hơn về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất thuế xuất khẩu. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các cơ chế ưu đãi dựa trên chi phí để có thể có thêm các chính sách khác, đa dạng hóa những chính sách thu hút đầu tư và nâng cao tính cạnh tranh của cơ chế thu hút đầu tư nhằm đạt được mục tiêu ở đây là thu hút đầu tư có chọn lọc, nâng cao được chất lượng đầu tư, đồng thời cũng giúp thúc đẩy các hoạt động đầu tư theo mục tiêu mong muốn.

Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua các dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi; Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi; tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh)