Thứ 2, 25/11/2024, 19:27[GMT+7]

“Giải nhiệt” cho đàn vật nuôi

Thứ 2, 27/06/2022 | 08:58:49
907 lượt xem
Chủ động lắp đặt thêm quạt mát, chia khẩu phần ăn ra nhiều bữa, giãn hoặc giảm mật độ nuôi thả... là những biện pháp người chăn nuôi “giải nhiệt” cho đàn vật nuôi khi thời tiết nắng nóng kéo dài.

Những ngày nắng nóng, anh Lê Minh Tiến, thôn An Phú 2, xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) thường xuyên vệ sinh chuồng trại để bảo đảm sức khỏe đàn lợn.

Phát triển kinh tế với mô hình trang trại tổng hợp quy mô 400 con lợn/lứa, gần 3.000 gia cầm các loại và 2 sào ao nuôi cá, mỗi năm, chị Phạm Thị Oanh, xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Với kiến thức đã học qua lớp chăn nuôi thú y cùng kinh nghiệm tích lũy trong quá trình chăn nuôi, ngay từ đầu mùa hè, chị Oanh đã chủ động giảm số lượng, bổ sung thêm quạt làm mát khu vực chuồng nuôi đồng thời trồng nhiều cây xanh tạo bóng mát cho đàn gia cầm. Chị Oanh cho biết: Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tôi chọn nuôi các giống ngan, gà, vịt có sức đề kháng, chống chịu bệnh tốt. Đợt nắng nóng kéo dài này, tôi chia khẩu phần ăn của gia cầm thành nhiều bữa, cho ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát và buổi tối, hạn chế cho ăn vào buổi trưa để ngan, gà, vịt không bị căng diều đồng thời cung cấp đủ nước sạch, có bổ sung chất điện giải cho đàn vật nuôi nhằm tăng sức đề kháng. Tôi còn che thêm lưới để giảm nhiệt độ tại khu vực nuôi. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp chống nóng mà đàn gia cầm của gia đình tôi luôn bảo đảm sức khỏe và cho chất lượng thịt tốt.

Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, để bảo đảm an toàn cho vật nuôi, tránh thiệt hại về kinh tế, các hộ chăn nuôi gia súc đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để “giải nhiệt” cho vật nuôi. Chăn nuôi lợn với quy mô trên 400 con lợn thịt/lứa, anh Lê Minh Tiến, thôn An Phú 2, xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) cho biết: Gia đình tôi nuôi 500 con lợn, trong đó trên 400 con lợn thịt, còn lại là lợn nái để chủ động nguồn giống. Tôi đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín với hệ thống quạt thông gió, quạt treo tường, dàn phun mưa bảo đảm mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Tuy nhiên, những ngày qua, nắng nóng kéo dài, để bảo đảm sức khỏe cho đàn lợn, tôi cho chạy 7 máy bơm, bơm nước làm mát mái chuồng từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối; giảm mật độ thả từ 35 con/ô xuống còn 26 con/ô, đồng thời bổ sung điện giải, vitamin C, thường xuyên vệ sinh chuồng trại...

Bà Nguyễn Thị Bến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình cho biết: Thời tiết nắng nóng kéo dài dễ gây tình trạng mất nước, kiệt sức, ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi, đặc biệt là gia súc mang thai, đang tiết sữa; gia cầm đẻ; con non và chăn nuôi mật độ cao. Để chủ động chống nóng cho đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại do nắng nóng gây ra, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh phát sinh ở đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi cần tạo sự thông thoáng và cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi, nhất là đối với kiểu chuồng kín, thấp, bị che chắn. Kiểm tra, làm mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống làm mát chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Đối với chuồng nuôi khép kín cần thường xuyên kiểm tra hoạt động của hệ thống làm mát, quạt thông gió; chuẩn bị lưới đen che dàn mát, cửa sổ các chuồng khi có nắng chiếu vào, đặc biệt lưu ý khu nuôi gia súc mang thai, gia súc đẻ, gia cầm sinh sản. Chuẩn bị phương án phun xoay nước trên mái chuồng, lắp hệ thống phun sương trong chuồng. 

(Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình)


Thường xuyên kiểm tra hệ thống cung cấp nước uống, luôn bảo đảm đủ lượng nước uống sạch, mát cho vật nuôi theo nhu cầu, nhất là những ngày nắng nóng; thực hiện nuôi đúng mật độ. Bảo đảm chế độ dinh dưỡng tốt cho vật nuôi, trong đó chú trọng điều chỉnh tăng chất béo và giảm tinh bột trong khẩu phần ăn để hạn chế quá trình sinh nhiệt của vật nuôi; cho ăn thức ăn tinh vào sáng sớm và chiều tối; tăng cường bổ sung vitamin C, điện giải vào nước uống và thường xuyên thay nước mới cho vật nuôi. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đến tuổi tiêm phòng theo quy định; thời gian tiêm phòng vào sáng sớm hoặc chiều tối; không nên tiêm quá nhiều loại vắc-xin cho một vật nuôi trong cùng một lần tiêm; bổ sung điện giải và vitamin ngay sau khi dùng vắc-xin. Tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm. Thường xuyên vệ sinh hàng ngày; thực hiện tiêu độc khử trùng trong và bên ngoài chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh thoát nước, phát quang bụi rậm xung quanh khu chăn nuôi không để giảm gây ô nhiễm môi trường và giảm phát sinh dịch bệnh...

Ngân Huyền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày