Thứ 7, 18/05/2024, 14:57[GMT+7]

Để thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến Kỳ 2: Gỡ khó để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Thứ 6, 08/07/2022 | 09:38:50
1,148 lượt xem
Mặc dù có nhiều tiện ích nhưng việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thói quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch còn khá phổ biến, tỷ lệ TTKDTM qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đến nay mới chiếm khoảng 75% tổng doanh số thanh toán.

Từ ngày 1/4/2022, Quỹ Tín dụng nhân dân Hồng Phong (Vũ Thư) là 1 trong 8 quỹ tín dụng nhân dân triển khai ứng dụng ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking trên điện thoại di động.

Đến hết tháng 6/2022, tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng ước đạt 862.000 tỷ đồng, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, TTKDTM chiếm khoảng 75% tổng doanh số thanh toán. Một trong những rào cản lớn nhất trong việc triển khai TTKDTM hiện nay đó chính là thói quen sử dụng tiền mặt trong nhân dân; đa số người dân ít sử dụng dịch vụ online hoặc thẻ ngân hàng trong công tác thanh toán do lo ngại về tính bảo mật, rủi ro lộ thông tin và ngại thay đổi về thói quen sinh hoạt. Hầu hết các đơn vị chấp nhận TTKDTM chỉ tập trung ở khu vực thành phố Thái Bình và các thị trấn, thị tứ gây khó khăn cho người dân ở các vùng nông thôn, vùng xa khu dân cư khi sử dụng các dịch vụ TTKDTM. Cùng với đó, hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho các hoạt động TTKDTM phát triển chưa đồng bộ giữa các ngân hàng; nền tảng tin học, quản trị dữ liệu của các đơn vị trường học, bệnh viện, nhà máy nước chưa đồng bộ, khả năng tương thích chưa cao; ở khu vực nông thôn, do điều kiện khó khăn, trở ngại và nhận thức hạn chế nên đại bộ phận người dân vẫn chưa có điều kiện để tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại.

Để thúc đẩy TTKDTM, đưa TTKDTM trở thành phổ biến trong nhân dân đồng thời huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021 phê duyệt đề án đẩy mạnh TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 2006/QĐ-NHNN, ngày 17/12/2021 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg. Hiện thực hóa chỉ đạo của cấp trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh cũng xây dựng kế hoạch triển khai toàn địa bàn, trong đó tập trung chỉ đạo từng đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, đặc biệt là các sản phẩm TTKDTM thông qua tài khoản ngân hàng, chuyển khoản qua thẻ ATM, thanh toán qua POS, các dịch vụ thu hộ, chi hộ cho các tổ chức kinh tế và cá nhân. Các TCTD trên địa bàn tỉnh cũng nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, mở rộng mạng lưới, kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng thuận tiện, chi phí hợp lý; chú trọng phát triển mạng lưới các điểm chấp nhận thẻ trên địa bàn tỉnh, ưu tiên phát triển tại địa bàn các huyện, khu vực nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường; tăng cường phối hợp với bộ phận dịch vụ thanh toán hội sở chính trên cơ sở đó kịp thời cập nhật, đưa ra các sản phẩm mới triển khai trên địa bàn, phát triển các sản phẩm thẻ ngân hàng đa năng cho phép thực hiện nhiều dịch vụ thanh toán với nhiều hình thức thanh toán như: internet banking, mobile banking, thanh toán bằng mã QR code, thanh toán phi tiếp xúc, ví điện tử; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, cán bộ làm công tác thanh toán...

Hiện nay, chuyển đổi số là một chủ trương lớn mà Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực triển khai thực hiện. Với sự vào cuộc tích cực đó của ngành ngân hàng sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng thúc đẩy nhanh hoạt động TTKDTM, tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Thái Bình
Đến hết tháng 5/2022, TTKDTM của Chi nhánh chiếm hơn 50% tổng doanh số thanh toán, trong đó có 6.904 giao dịch qua POS, 782.528 giao dịch qua ATM và 902.207 giao dịch qua ngân hàng điện tử. Mặc dù những kết quả đạt được là tích cực nhưng việc phát triển dịch vụ TTKDTM trong thời gian qua của Chi nhánh vẫn gặp không ít khó khăn, đó là: người dân, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, đại đa số chưa thích nghi với hình thức TTKDTM, tâm lý e ngại khi giao dịch trên các ứng dụng điện tử; một số đơn vị cung cấp dịch vụ công vẫn triển khai hình thức thu tiền mặt, chưa thực sự phối hợp chặt chẽ với ngân hàng trong việc thúc đẩy TTKDTM; đơn vị chấp nhận thẻ chưa sẵn sàng vào cuộc, còn lo về phí và giá cả nên chưa hỗ trợ khách hàng sử dụng hình thức thanh toán qua POS; số lượng máy ATM, POS của Chi nhánh vẫn còn hạn chế, chưa phủ kín tại các điểm giao dịch của Chi nhánh. Để khắc phục khó khăn, Chi nhánh tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó giúp khách hàng nắm rõ tiện ích của các sản phẩm dịch vụ từ đó đăng ký sử dụng; ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Điện lực Thái Bình và một số công ty nước sạch trên địa bàn để phát triển dịch vụ thu hộ tiền điện, tiền nước; tăng cường máy ATM, mở thẻ Lộc Việt, thẻ tín dụng nông nghiệp, miễn các loại phí dịch vụ, phí chuyển tiền nhằm phát triển dịch vụ TTKDTM và hạn chế tín dụng đen tại khu vực nông thôn...

Bà Trần Thị Phượng, Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Hồng Phong (Vũ Thư)
Là một trong những đơn vị đầu tiên trong hệ thống quỹ tín dụng nhân dân của tỉnh triển khai ứng dụng ngân hàng số Co-opBank Mobile Banking trên điện thoại di động nên Quỹ cũng gặp không ít những khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất đó là mặc dù khách hàng có mở tài khoản tại quỹ nhưng do hạn chế về trình độ nên việc sử dụng trên điện thoại thông minh chưa được thành thạo. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp tích cực và hiệu quả như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực hỗ trợ khách hàng sử dụng dịch vụ, miễn phí dịch vụ chuyển tiền... nên chỉ sau 2 tháng triển khai sâu rộng đã có gần 100 khách hàng và nhân viên của Quỹ sử dụng ứng dụng, từ đó góp phần đóng góp tích cực vào phát triển dịch vụ TTKDTM tại khu vực nông thôn.


Một số chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 trên địa bàn
  • Tăng trưởng doanh số TTKDTM qua hệ thống ngân hàng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 20 - 25%/năm;
  • Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân, tăng số lượng điểm chấp nhận TTKDTM lên trên 1.600 điểm;
  • Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác;
  • Đến hết năm 2025: Phấn đấu lắp đặt khoảng 240 máy ATM, 1.200 máy POS, mở trên 1,5 triệu tài khoản cá nhân, phát hành trên 1,7 triệu thẻ thanh toán các loại; tối thiểu 90% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM, từ 90 - 100% trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, 60% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM, 60% người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM.


Nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Bình giới thiệu với khách hàng về các dịch vụ của ngân hàng.

Minh Hương