Chủ nhật, 28/04/2024, 00:00[GMT+7]

Hỏi đáp về phòng, chống bạo lực gia đình (Tiếp theo và hết)

Thứ 2, 11/07/2022 | 08:19:37
9,590 lượt xem

Ảnh minh họa.

Câu 14: Do không chịu nổi những đòn đánh của chồng, chị P đã bỏ về nhà mẹ đẻ sinh sống và xin ly hôn. Tuy nhiên, chồng chị P vẫn thường xuyên đến nhà mẹ chị P chửi bới, dọa đánh chị nếu chị không chịu về nhà và rút đơn xin ly hôn. Chị P không biết trong thời gian chờ tòa án giải quyết đơn xin ly hôn có biện pháp nào để cấm chồng chị tiếp xúc gây phiền hà cho mình hay không?

Trả lời:

Điều 21 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về việc cấm tiếp xúc theo quyết định của tòa án như sau:

“1. Tòa án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình;

b) Hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình;

c) Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc.

2. Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, nạn nhân bạo lực gia đình, chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình và viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

3. Tòa án nhân dân đã ra quyết định cấm tiếp xúc hủy bỏ quyết định đó khi có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình hoặc khi nhận thấy biện pháp này không còn cần thiết.

4. Trong trường hợp gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi hoặc các trường hợp đặc biệt khác mà người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân phải tiếp xúc với nhau thì người có hành vi bạo lực gia đình phải báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình.

5. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cấm tiếp xúc quy định tại Điều này được thực hiện tương tự quy định của pháp luật tố tụng dân sự về các biện pháp khẩn cấp tạm thời”.
Vậy, theo quy định nêu trên, Chị P có quyền đề nghị tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp cấm chồng chị tiếp xúc với chị.

Câu 15: Ông Đ có hành vi bạo lực gia đình đối với vợ của ông là bà K và đã bị Chủ tịch UBND xã nơi vợ chồng ông sinh sống ra quyết định cấm tiếp xúc. Trong thời gian áp dụng quyết định cấm tiếp xúc của Chủ tịch UBND xã, con gái của vợ chồng ông bị bệnh nặng và đang được điều trị tại bệnh viện. Trong trường hợp này, ông Đ có được tiếp xúc với vợ của ông không?

Trả lời:

Theo khoản 4, Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, trong trường hợp gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi hoặc các trường hợp đặc biệt khác mà người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình phải tiếp xúc với nhau thì người có hành vi bạo lực gia đình phải báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình.
Khoản 6, Điều 9 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP, ngày 4/2/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định:

“Các trường hợp đặc biệt mà người có hành vi bạo lực gia đình được tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình sau khi báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân bạo lực gia đình, bao gồm:

a. Gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi;

b. Gia đình có người bị tai nạn, bị bệnh nặng;

c. Tài sản của gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh;

d. Những trường hợp khác mà phải tiếp xúc theo phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương”.

Như vậy, trong trường hợp nêu trên, do con gái của vợ chồng ông Đ bị bệnh nặng nên theo quy định, ông được tiếp xúc với vợ của ông sau khi báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi vợ ông cư trú.

Câu 16: Anh N và chị V cùng tốt nghiệp đại học và làm việc chung trong một công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh; trong khoảng thời gian học và làm việc, hai anh chị đã phát sinh tình cảm và dọn về sống chung như vợ chồng (chưa đăng ký kết hôn); toàn bộ thu nhập của anh N được công ty chuyển vào thẻ ATM của anh nên anh đưa luôn thẻ ATM của mình để chị V quản lý. Thời gian sau này, anh N có tình cảm với một người phụ nữ khác và nhiều lần bị chị V phát hiện. Do vậy, chị V thường xuyên chửi mắng, lăng mạ và đập phá làm hư hỏng xe máy của anh N. Chị cũng đập vỡ điện thoại Iphone của anh N và kiểm soát toàn bộ thu nhập của anh làm cho anh bị lệ thuộc chị về tài chính. Trong trường hợp trên có phải là hành vi bạo lực gia đình?

Trả lời:

Tại khoản 1, Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định về các hành vi bạo lực gia đình; trong đó có quy định các hành vi: “lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xâm phạm danh dự, nhân phẩm”; “chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình”; “cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính” là các hành vi trong số những hành vi bạo lực gia đình.

Khoản 2, Điều 2 của Luật này đồng thời quy định: “các hành vi bạo lực gia đình nêu trên cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng”.

Như vậy, đối chiếu với quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, xác định hành vi của chị V đối với anh N là hành vi bạo lực gia đình.

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày