Thứ 2, 06/05/2024, 09:25[GMT+7]

Vốn tín dụng ngân hàng: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Thứ 6, 29/07/2022 | 08:08:45
5,198 lượt xem
Bằng những chủ trương đúng và trúng, những giải pháp thiết thực và hiệu quả như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay với lãi suất thấp hơn so với trước khi có dịch Covid-19..., nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Công ty TNHH May mặc V.J.One (xã Hồng Bạch, huyện Đông Hưng) phát triển sản xuất từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Cơ chế, chính sách kịp thời, hiệu quả

Một trong những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ngành ngân hàng tập trung thực hiện hiệu quả trong thời gian qua là Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01. Ngay sau khi Thông tư số 01 và Thông tư số 03 được ban hành, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã triển khai kịp thời tới các TCTD đồng thời tích cực phối hợp với các sở, ngành, cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, từ đó tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt và sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Đến hết tháng 6/2022, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 991 khách hàng, tổng giá trị nợ lũy kế cả gốc, lãi đạt 1.869 tỷ đồng; miễn, giảm lãi tiền vay cho 13.708 khách hàng với số tiền lãi được miễn, giảm 3,2 tỷ đồng; thực hiện cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất thấp hơn khoảng 2%/năm so với trước khi có dịch với doanh số cho vay đạt 64.975 tỷ đồng, từ đó giúp khách hàng kịp thời bổ sung nguồn vốn hoạt động đồng thời giảm chi phí vay vốn khoảng 260 tỷ đồng. Đặc biệt, thực hiện chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh đã có 7 doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất 0%/năm, tổng số tiền đã giải ngân đạt 1,115 tỷ đồng.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. 

Bà Hứa Phi Yến, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Trên cơ sở Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện Nghị định số 31, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã tổ chức hội nghị phổ biến tới các doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời, ban hành công văn chỉ đạo các ngân hàng thương mại khẩn trương triển khai thực hiện, kịp thời đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, bố trí nguồn vốn, nhân lực, cơ sở vật chất và hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận, nắm rõ các chính sách, trên cơ sở đó hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định. Đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng phương án để triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất tại đơn vị.

Đáp ứng vốn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

Cùng với triển khai thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, các TCTD trên địa bàn còn tăng cường huy động vốn từ nội bộ nền kinh tế, từ đó bảo đảm cân đối, bố trí kịp thời nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện đang có gần 1.500 doanh nghiệp vay vốn tại các TCTD trên địa bàn với tổng dư nợ cho vay đến hết tháng 6/2022 ước đạt 29.400 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thời điểm 31/12/2021, chiếm 35,5% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn; trong đó cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 3,1%, cho vay công nghiệp và xây dựng chiếm 61,3%, cho vay các ngành thương mại và dịch vụ chiếm 35,6% tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp. Toàn ngành đã điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hướng trọng tâm đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả; doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Đến hết tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh có hơn 400 doanh nghiệp, hợp tác xã đang vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ với dư nợ cho vay đạt hơn 3.700 tỷ đồng; 23 dự án kinh doanh nước sạch nông thôn của các doanh nghiệp đang vay vốn theo Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh với số tiền giải ngân 405 tỷ đồng, dư nợ cho vay ước đạt 140 tỷ đồng; cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên với dư nợ ước đạt 1.580 tỷ đồng, chiếm 1,9% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn...

Chủ động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cũng là một trong những giải pháp ngành ngân hàng tích cực thực hiện trong thời gian qua nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển. Thông qua việc thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp đã được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp nhận, giải quyết kịp thời, từ đó giúp các doanh nghiệp sớm hoàn thiện các thủ tục để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng một cách nhanh nhất. Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp đã được điều chỉnh giảm khoảng 2%/năm so với trước khi có dịch Covid-19, trong đó dư nợ có mức lãi suất từ 5,5%/năm trở xuống chiếm 22,8%, dư nợ có mức lãi suất từ 5,5 - 10%/năm, chiếm 72,6% và dư nợ có mức lãi suất trên 10%/năm, chiếm 21,9% tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp. 

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Nhiều năm qua, đặc biệt là trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhờ có nguồn vốn tín dụng ngân hàng mà nhiều doanh nghiệp đã vươn lên trở thành những doanh nghiệp có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Chi nhánh Thái Bình, Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý, Công ty Cổ phần Damsan, Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh Sứ Hảo Cảnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen...

Những giải pháp đồng hành thiết thực của ngành ngân hàng đã và đang triển khai đã góp phần bảo đảm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp được duy trì và phát triển.

Đến ngày 30/6/2022
Tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 101.030 tỷ đồng, tăng 7,2% so với thời điểm 31/12/2021;
Tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh ước đạt 82.680 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm 31/12/2021;
Tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn ước chiếm 0,71% tổng dư nợ cho vay (không bao gồm dư nợ, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thái Bình);
Tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng ước đạt 862.000 tỷ đồng, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2021.


Minh Hương