Chủ nhật, 19/05/2024, 03:58[GMT+7]

Thành phố: Đưa tín dụng chính sách vào cuộc sống

Chủ nhật, 07/08/2022 | 13:19:04
757 lượt xem
Việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn được thành phố Thái Bình xác định là một trong những giải pháp hiệu quả, có ý nghĩa lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều nông dân thành phố thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi.

Trong hành trình là cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã có sự đồng hành, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị - xã hội thành phố. Qua 20 năm, nguồn vốn cho vay trên địa bàn thành phố đã tăng gấp 6,4 lần, cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch tích cực, giảm nguồn vốn từ trung ương, tăng nguồn vốn huy động thị trường và nguồn vốn ủy thác đầu tư của địa phương. Thành phố đã cân đối ngân sách chuyển trên 4,3 tỷ đồng ủy thác sang Ngân hàng CSXH. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay trên địa bàn thành phố đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách. 

Tổng dư nợ đạt trên 179,6 tỷ đồng, tăng trên 156,4 tỷ đồng, gấp 6,7 lần so với dư nợ khi thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm 7,8%, với 4.256 hộ vay. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Thị Thu Phương, thời gian qua, nguồn vốn phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn, chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại. 20 năm qua, Ngân hàng CSXH đã cho trên 71.400 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa bàn thành phố vay vốn, doanh số cho vay đạt gần 862 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 682 tỷ đồng, giúp gần 6.700 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho gần 13.300 lao động; trên 7.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 17.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 83 ngôi nhà cho hộ nghèo... Qua đó góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm từ trên 10% năm 2003 xuống còn 1,19% năm 2021.

Những năm qua, Ngân hàng CSXH đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn chính sách đặc thù, hiệu quả thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên thành phố nhận ủy thác cho vay trực tiếp cùng một số nội dung công việc. Tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chiếm 99,6% tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại thành phố. 170 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động trực thuộc quản lý của 4 tổ chức, cùng với 19 điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH tại các phường, xã đã phát huy vai trò trong triển khai thực hiện tín dụng CSXH, chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm thuận lợi, công khai, minh bạch, dân chủ. 

Nhờ nguồn vốn ưu đãi, nhiều nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. 

Trong ảnh: Vườn hoa của nông dân xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình).

Là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn Hội Nông dân phường Trần Lãm - một tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động rất hiệu quả, bà Đoàn Thị Thúy cho biết: Từ lúc thành lập chỉ có vài tổ viên, khi Ngân hàng CSXH mới triển khai cho vay người dân còn e dè do chưa hiểu quy trình, thủ tục vay, lãi suất, sợ vay xong không trả được vì chưa có phương án sản xuất, kinh doanh. Nhưng được UBND và Hội Nông dân phường vận động, giải thích, cán bộ Ngân hàng CSXH tận tình hướng dẫn, họ đã mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Đến nay, tổ đã phát triển lên 40 tổ viên, quản lý dư nợ gần 1,9 tỷ đồng. Các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, trả nợ gốc và lãi đầy đủ, kịp thời, không có nợ quá hạn phát sinh.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng CSXH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong triển khai thực hiện tín dụng CSXH trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt quan tâm tập trung nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH để triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng CSXH, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng; ưu tiên vốn đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng như quan tâm đầu tư vốn cho các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thu hút nhiều lao động.


Minh Nguyệt