Chủ nhật, 24/11/2024, 07:46[GMT+7]

Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020) Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình: 60 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ 2, 20/07/2020 | 09:00:18
5,877 lượt xem

Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trao cờ lưu niệm giải thể thao kỷ niệm ngày truyền thống ngành Kiểm sát.

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của ngành Kiểm sát nói chung, ngành Kiểm sát Thái Bình nói riêng. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, mặc dù chức năng, nhiệm vụ có bổ sung, điều chỉnh song ngành Kiểm sát Thái Bình đã nghiêm túc quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương đề ra phương hướng hoạt động phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ các quyền dân chủ của công dân, tăng cường kỷ cương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ngày đầu thành lập, ngành Kiểm sát Thái Bình chỉ có 9 cán bộ chưa được đào tạo cơ bản về khoa học pháp lý và chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, toàn ngành đã có 193 cán bộ, kiểm sát viên, hầu hết là đảng viên, có trình độ đại học, nhiều đồng chí có trình độ trên đại học. Trong những năm đầu thành lập, hoạt động công tác kiểm sát tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, trấn áp bọn phản cách mạng và tội phạm nguy hiểm khác. Các vụ án tham ô, trộm cắp tài sản của tập thể, các vụ án phản cách mạng do gián điệp của thực dân Pháp cài cắm lại và bọn phản động đội lốt tôn giáo nhằm chống phá như vụ Phạm Xuân Thảo ở Trung An (Thư Trì), vụ Nguyễn Trắc ở Nam Chính (Tiền Hải)... Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, hoạt động kiểm sát tập trung đấu tranh xử lý các biểu hiện buông lỏng kỷ luật thời chiến, cản trở việc chi viện cho tiền tuyến, vi phạm chính sách hậu phương quân đội, xâm phạm quyền dân chủ của nhân dân. Một số vụ như vụ Phạm Công Sơ cầm đầu tổ chức phản động “Tinh hoa dân quốc”, vụ gián điệp do Trần Quốc Bảo cầm đầu... đều được ngành Kiểm sát Thái Bình phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm minh. Kết quả công tác kiểm sát đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, xây dựng miền Bắc và Thái Bình trở thành hậu phương vững chắc với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, chi viện kịp thời, hiệu quả cho miền Nam.

Năm 1975, Tổ quốc thống nhất, tình hình đất nước và địa phương đặt ra những yêu cầu mới, ngành Kiểm sát Thái Bình đã phối hợp với ngành Tư pháp đẩy mạnh các hoạt động phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các tội phạm xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, đầu cơ, buôn lậu, thu hồi tài sản cho Nhà nước, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Từ năm 1986 đến nay, quán triệt quan điểm đổi mới toàn diện và nội dung cải cách tư pháp được nêu trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cấp ủy địa phương, ngành Kiểm sát Thái Bình đã đổi mới mạnh mẽ về nhận thức lý luận, về tổ chức bộ máy, về công tác cán bộ và thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Những năm đầu công cuộc đổi mới, công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế - xã hội luôn bám sát các nghị quyết của Đảng, chủ trương lớn của Nhà nước và thực hiện theo kế hoạch thống nhất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Căn cứ nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là sau khi có Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 1992, ngoài công tác kiểm sát văn bản, toàn ngành đã lựa chọn kiểm sát các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như: quản lý kinh doanh xuất nhập khẩu (năm 1990), quản lý, sử dụng ngoại tệ (năm 1991)...

Năm 2002 đánh đấu bước ngoặt quan trọng về chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp. Thực hiện Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2002, Viện Kiểm sát nhân dân thôi không thực hiện chức năng kiểm sát tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế - xã hội mà tập trung làm tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Thực hiện các chỉ thị và nghị quyết của Bộ Chính trị, viện kiểm sát nhân dân hai cấp của Thái Bình đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phát hiện và xử lý án hình sự. Bình quân mỗi năm toàn ngành tập trung kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử 1.000 vụ án bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Trong đó, chú trọng phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm, nhất là các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, phạm tội có tổ chức, tội phạm tham nhũng, buôn lậu, ma túy và những vụ án được dư luận và nhân dân quan tâm như vụ Trần Anh Kim về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, vụ Nguyễn Trung Lâm cùng đồng phạm tội buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng, vụ Bùi Xuân Thái, Nguyễn Văn Chính cùng đồng bọn mua bán 15 bánh hêrôin, vụ Mạc Kim Tôn lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ... Tiến độ và chất lượng giải quyết hình sự không ngừng được nâng lên, việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn bắt, tạm giữ, tạm giam chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà trọng tâm là chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa của kiểm sát viên được nâng cao.

Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, quản lý giáo dục người chấp hành hình phạt tù và thi hành án ngày càng được chú trọng, có nhiều đổi mới và hiệu quả hơn. Hai cấp kiểm sát duy trì thường xuyên việc kiểm sát hàng ngày và định kỳ tại nhà tạm giữ, trại tạm giam và công tác thi hành án phạt tù, bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án có căn cứ, đúng pháp luật, chế độ đối với người bị giam, giữ, tạm giam được bảo đảm. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã chỉ đạo toàn ngành nắm chắc, kiểm sát chặt chẽ số bản án, quyết định phải được thi hành án để yêu cầu thi hành kịp thời, bảo đảm tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và cơ quan thi hành án tổ chức thi hành được nhiều vụ khó khăn, phức tạp, kéo dài. Đối với công tác kiểm sát, việc giải quyết các vụ việc dân sự và những việc khác theo quy định của pháp luật, hai cấp kiểm sát đã tập trung kiểm sát việc giải quyết các tranh chấp về nhà ở, về tài sản, đất đai, hôn nhân gia đình, đặc biệt chú trọng kiểm sát việc lập hồ sơ án dân sự của tòa án. Hàng năm đã phát hiện và yêu cầu điều tra bổ sung hàng chục vụ án dân sự, chủ động trực tiếp xác minh bổ sung chứng cứ và tích cực tham gia các phiên tòa xét xử của tòa án ở các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã trực tiếp khởi tố, yêu cầu khởi tố nhiều vụ tranh chấp dân sự và tích cực hỗ trợ thu hồi tài sản. Qua  hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự đã phát hiện được nhiều vi phạm để kháng nghị, kiến nghị theo yêu cầu khắc phục và kiến nghị các ngành, các cấp có biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện nghiêm pháp luật.

Công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngày càng được coi trọng và hoạt động có hiệu quả, đã tập trung giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự nhất là những đơn khiếu nại về oan sai, tố cáo tham nhũng, xâm phạm quyền dân chủ của công dân và xâm phạm hoạt động tư pháp. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, hai cấp kiểm sát đã chọn cử các kiểm sát viên, cán bộ có năng lực, có kiến thức, am hiểu tình hình thực tiễn và tập trung các khâu công tác nghiệp vụ để phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt trong giai đoạn an ninh nông thôn Thái Bình mất ổn định, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã chủ động điều chỉnh kế hoạch công tác theo hướng kết hợp việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành với nhiệm vụ phục vụ ổn định tình hình ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Thái Bình.

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Kiểm sát Thái Bình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Biểu dương và ghi nhận thành tích đó, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba cho Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố, các phòng nghiệp vụ được tặng thưởng 15 Huân chương Lao động các loại; nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tặng cờ thi đua, bằng khen, kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ pháp chế và được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Lại Hợp Mạnh
(Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh)