Thứ 6, 01/11/2024, 14:14[GMT+7]

Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới

Thứ 2, 23/11/2020 | 09:25:16
4,088 lượt xem
Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt (tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam ngày nay). Từ đó, ngày 23/11 trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam. 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Thanh tra Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Thanh tra tỉnh họp triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020.

Ngành Thanh tra Thái Bình được thành lập tháng 3/1957 khi tổ chức thanh tra được mở rộng đến các khu, tỉnh, thành phố. Năm 1970, Hội đồng Chính phủ có Nghị định số 164 và Nghị định số 165 chấn chỉnh hệ thống tổ chức bộ máy, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức thanh tra thì ở Thái Bình các tổ chức thanh tra được thành lập từ tỉnh đến các huyện, thị xã, các ty, ngành của tỉnh. Cùng với hoạt động của các tổ chức thanh tra chuyên trách, phong trào kiểm tra của quần chúng phát triển rộng khắp. Thanh tra tỉnh đã phối hợp cùng các ngành mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho trưởng ban kiểm soát ở các hợp tác xã nông nghiệp và tổ trưởng kiểm tra quần chúng ở các xí nghiệp để làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra thường xuyên tại chỗ. Qua đó đã động viên và phát huy được tinh thần làm chủ tập thể, ý thức trách nhiệm của quần chúng, góp phần cải tiến tổ chức, lề lối làm việc, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham nhũng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, ngành Thanh tra Thái Bình đã mở các cuộc thanh tra và xét giải quyết đơn về việc gọi thanh niên nhập ngũ, huy động nghĩa vụ lương thực, thực phẩm, thanh tra việc thực hiện chính sách đối với các gia đình liệt sĩ, thương binh, bộ đội...

Bước vào thời kỳ đổi mới, với phương châm “Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, kết hợp giữa xây và chống, lấy xây là chính”, thanh tra các cấp trong tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, chủ động xây dựng các cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm. Chủ động tham mưu có hiệu quả giúp lãnh đạo các cấp, các ngành, đơn vị duy trì nền nếp công tác tiếp công dân, kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân đúng quy định. Từ năm 2016 đến nay, toàn ngành đã tiến hành 1.311 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 3.006 lượt đơn vị; phát hiện sai phạm 132,7 tỷ đồng, 841.294m2 đất; kiến nghị thu hồi 71,2 tỷ đồng, 783.502m2 đất; kiến nghị xử lý kỷ luật 20 tập thể và 8 cá nhân có sai phạm. Trong đó, Thanh tra tỉnh đã kết luận 92 cuộc thanh tra tại 176 đơn vị, qua thanh tra đã phát hiện sai phạm 48,9 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 28,5 tỷ đồng; xử lý khác 20,4 tỷ đồng; đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số văn bản, cơ chế quản lý để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các tổ chức thanh tra trong tỉnh đã tham gia thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên, tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp tiếp công dân định kỳ, đột xuất theo đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2016 đến nay, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp 41.456 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó, Thanh tra tỉnh tiếp 659 lượt công dân. Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo cơ quan hành chính các cấp đã tiếp nhận 15.665 đơn, trong đó đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh là 558 đơn. Đến nay, đã giải quyết 550 đơn, chiếm 98,6%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng, 191,6m2 đất; kiến nghị xử lý kỷ luật 33 cá nhân, 2 tập thể có sai phạm, trong đó đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý 1 vụ việc.

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra tỉnh đã chủ động chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức thanh tra trong tỉnh tập trung tham mưu giúp các cấp, các ngành trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị trong tỉnh thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực; rà soát, ban hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về chế độ, định mức; xây dựng và tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên đôn đốc việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ông Trần Trung Dũng, Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: Phát huy truyền thống 75 năm của ngành Thanh tra Việt Nam, truyền thống 63 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Thanh tra Thái Bình, mỗi tổ chức thanh tra, mỗi cán bộ, thanh tra viên ngành Thanh tra Thái Bình nguyện không ngừng phấn đấu, học tập, nâng cao kiến thức, năng lực công tác, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, niềm tin yêu của nhân dân, mỗi cán bộ, thanh tra viên ngành Thanh tra Thái Bình thật sự “Là tai mắt của trên, là bạn của dưới” như lời dạy của Bác Hồ. Trong thời gian tới, ngành Thanh tra Thái Bình sẽ thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ, kế hoạch thanh tra năm 2021 được thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp phê duyệt. Chú trọng thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước theo thẩm quyền quy định; tập trung thanh tra những đơn vị, địa phương có nhiều vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, dư luận có nhiều ý kiến; thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm. Gắn hoạt động thanh tra với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm. Duy trì nền nếp công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tích cực kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; thực hiện việc kiểm tra đột xuất công tác tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; kịp thời tham mưu giải quyết các đơn mới phát sinh khi được giao.

Phạm Hưng