Thứ 2, 25/11/2024, 08:43[GMT+7]

Mạnh tay xử lý tin giả về dịch Covid-19 trên không gian mạng

Thứ 6, 06/08/2021 | 20:32:26
2,039 lượt xem
Trong khi cả nước đang căng mình chiến đấu với dịch Covid-19, những tin giả về dịch bệnh như những con “virus số” trên không gian mạng làm cho tình hình xã hội thêm phức tạp, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, làm cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 thêm khó khăn. Những hành vi bị cả xã hội lên án đó cần phải được kiên quyết xử lý theo pháp luật.

Cơ quan chức năng làm việc với đối tượng đăng tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 tại huyện Quỳnh Phụ.

Thông qua hệ thống giám sát an ninh mạng, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông phát hiện hồi 20 giờ ngày 25/6/2021, trên mạng xã hội facebook xuất hiện nội dung: xã An Thanh (Quỳnh Phụ) có 6 ca nhiễm Covid-19. Thông tin sai sự thật trên do anh P.N.T, sinh năm 1986, địa chỉ thường trú tại tổ 5, thị trấn An Bài là chủ tài khoản facebook P.N.T đăng tải. Tại cơ quan chức năng, anh T đã thừa nhận hành vi sai trái, tự giác gỡ bỏ thông tin sai sự thật đồng thời cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an ninh mạng và các hình thức xử phạt.

Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an huyện Quỳnh Phụ và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông phát hiện hồi 18 giờ 41 phút ngày 25/6/2021, chị Đ.T.D, 33 tuổi, trú tại thôn Thanh Mai, xã An Thanh đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân bình luận sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 với nội dung: Thôn Thanh Mai có 5 ca dương tính, xe cứu thương đang trực sẵn ở Thanh Mai, chuẩn bị ghi nhận những ca mới. Ngày 16/7, khi làm việc với cơ quan chức năng, chị D thừa nhận hành vi vi phạm do không tìm hiểu kỹ thông tin từ nguồn chính thống mà vội vàng bình luận sai sự thật.

Trên đây chỉ là những ví dụ điển hình về việc đăng tải tin giả về dịch bệnh trên không gian mạng đã gây hoang mang dư luận quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương được cơ quan chức năng xử lý trong thời gian qua.

Việt Nam hiện có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số. Với rất nhiều tính năng được tích hợp bên trong, mạng xã hội đang trở thành nơi chia sẻ thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng và nhanh chóng. Bên cạnh những thông tin tích cực, trên mạng xã hội cũng tồn tại việc một số cá nhân, tổ chức lợi dụng quyền tự do ngôn luận, cung cấp những thông tin sai trái, thậm chí có những thông tin xuyên tạc, gây hại đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia. 

Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), các tin giả liên quan dịch Covid-19 đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất thời gian gần đây. Các cá nhân, tổ chức thù địch tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc-xin Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc-xin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vắc-xin phòng Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam...; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và các địa phương... Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip tự phát được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội... Nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của địa phương và cả nước.

Ông Đào Văn Ngàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thanh chia sẻ: Trong những ngày chấp hành giãn cách do dịch bệnh gây ra, được sự giúp đỡ của tỉnh và huyện, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã An Thanh đã đoàn kết, kiên cường vượt qua khó khăn, vất vả để chiến thắng dịch Covid-19. Do đó, chúng tôi không chấp nhận những hành vi lợi dụng dịch bệnh sử dụng không gian mạng để đăng tải tin giả, xuyên tạc sự thật. Dù vô tình hay cố ý những hành vi đó cần phải có chế tài xử lý mạnh tay để làm gương cho người khác.

Cùng chung quan điểm, bà Lê Thị Diên, xã Thụy Liên (Thái Thụy) cho biết: Gần đây, bên cạnh những thông tin tốt đẹp về sự hy sinh, vất vả của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, tình người san sẻ khó khăn trong mùa dịch..., trên mạng xã hội xuất hiện một số đối tượng cố tình đăng tin giả về dịch bệnh gây bức xúc trong nhân dân. Tôi đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp này để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dùng mạng xã hội.

Với sự đầu tư đồng bộ, hiện đại, Thái Bình là một trong những địa phương tiên phong đưa Trung tâm Điều hành an toàn, an ninh thông tin (SOC) vào hoạt động. Thông qua hệ thống giám sát giúp cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... đăng tải trên các trang mạng xã hội.

Ông Ngô Nguyên Long, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thông qua hệ thống giám sát, chúng tôi đã phát hiện và xử lý các trường hợp đăng tải tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh trên không gian mạng theo đúng quy định của pháp luật. Để hạn chế tình trạng tin giả gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ngày 20/7/2021 về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19 đã phân công Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tốt công tác truyền thông, cung cấp thông tin kịp thời để nhân dân hiểu, bình tĩnh, chia sẻ, ủng hộ và tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, Bộ đã ban hành văn bản số 2765 về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng. Những văn bản chỉ đạo trên sẽ tăng thêm sức mạnh cho cơ quan chức năng tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh trên không gian mạng nhằm hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Mỗi người dân tỉnh táo, có trách nhiệm khi cung cấp và tiếp nhận thông tin trên không gian mạng sẽ là một chiến sĩ tạo thêm sức mạnh cho lá chắn thép góp phần cùng cả nước đẩy lùi và chiến thắng đại dịch, đồng thời xây dựng môi trường mạng an toàn, văn minh.

Trịnh Cường