Thứ 2, 25/11/2024, 13:45[GMT+7]

Hỏi đáp Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án (Tiếp theo)

Thứ 2, 27/09/2021 | 10:40:23
651 lượt xem

Ảnh minh họa.

Câu hỏi 8: Các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án có những nghĩa vụ gì?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, các bên tham gia có nghĩa vụ:

- Tuân thủ pháp luật;

- Tham gia hòa giải, đối thoại với tinh thần thiện chí, hợp tác để thúc đẩy quá trình hòa giải, đối thoại đạt kết quả tích cực; trình bày chính xác tình tiết, nội dung của vụ việc, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc theo yêu cầu của hòa giải viên;

- Chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình cung cấp trong quá trình hòa giải, đối thoại; nếu thông tin, tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thì kết quả hòa giải, đối thoại bị vô hiệu; trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự; nếu gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

- Tôn trọng hòa giải viên và các bên có liên quan; thực hiện các yêu cầu của hòa giải viên theo quy định của Luật này;

- Chấp hành quy chế hòa giải, đối thoại tại tòa án;

- Thực hiện các nội dung đã hòa giải thành, đối thoại thành.

Câu hỏi 9: Các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án phải trả chi phí trong những trường hợp nào?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án phải chịu chi phí trong các trường hợp sau đây:

- Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch;

- Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án; chi phí khi hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở;

- Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

Câu hỏi 10: Đề nghị cho biết điều kiện để bổ nhiệm hòa giải viên? Những trường hợp nào không được bổ nhiệm là hòa giải viên?

Trả lời: Tại khoản 1, 2 Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án quy định:

1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên:

a) Đã là thẩm phán, thẩm tra viên tòa án, thư ký tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên viện kiểm sát, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;

b) Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại;

c) Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

d) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là thẩm phán, thẩm tra viên tòa án ngạch thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp, thư ký tòa án ngạch thư ký viên chính, thư ký viên cao cấp, kiểm sát viên, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên.

2. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được bổ nhiệm làm hòa giải viên:

a) Không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân, công nhân công an.

(còn nữa)

Lê Thủy

(Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp)

  • Từ khóa