Thứ 2, 25/11/2024, 15:01[GMT+7]

Nâng cao chất lượng cải cách tư pháp

Chủ nhật, 20/03/2022 | 21:07:33
5,811 lượt xem
Công tác cải cách tư pháp (CCTP) thời gian qua được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, đạt hiệu quả thiết thực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử đối tượng Nguyễn Văn Bình và đồng phạm về tội danh “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng”. Ảnh Tất Đạt

Một trong những kết quả nổi bật trong công tác CCTP của tỉnh thời gian qua đó là chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng lên. Trong năm 2021 và đầu năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 song các cơ quan tư pháp đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành gắn với công tác CCTP. Đảng ủy Công an tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo công an các huyện, thành phố, các đơn vị thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. 

Trong năm 2021, đã tiếp nhận, giải quyết 880 tin báo, tố giác tội phạm; điều tra khám phá 707/771 vụ đạt tỷ lệ 91,7%, trọng án đạt 100%; đã triệt phá nhiều ổ nhóm hoạt động lưu manh chuyên nghiệp, hoạt động liên tuyến, liên tỉnh, manh động, liều lĩnh. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra theo hướng chủ động, sâu sát và toàn diện hơn. Năm 2021, thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã ban hành 235 kiến nghị, 21 kháng nghị yêu cầu các cơ quan, đơn vị khắc phục vi phạm.

Công tác xét xử có nhiều chuyển biến tích cực, thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án, vụ việc đúng theo quy định của pháp luật; quá trình thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa được đổi mới theo tinh thần CCTP. Theo đồng chí Tô Thị Lý, Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh: Thời gian qua, TAND hai cấp luôn chú trọng đề cao việc tranh tụng tại các phiên tòa, không hạn chế thời gian tranh tụng, kết quả tranh tụng là cơ sở quan trọng để hội đồng xét xử đưa ra phán quyết về vụ án, từ đó bảo đảm việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Năm 2021, TAND hai cấp thụ lý 4.483 vụ, việc; đã giải quyết 4.272 vụ, việc, đạt tỷ lệ 95,3%. Chất lượng giải quyết án được nâng lên, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan thấp hơn năm trước và thấp hơn mức mà Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội quy định. 

Ngoài ra, TAND hai cấp đã tổ chức được 90 phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần CCTP, trong đó có 16 phiên tòa rút kinh nghiệm theo hình thức trực tuyến ở cả hai cấp trong tỉnh; công bố 2.899/2.899 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên cổng thông tin điện tử của TAND tạo sự công khai, minh bạch trong các hoạt động của TAND. Đây là một trong những cơ chế hữu hiệu để người dân kiểm tra, giám sát hoạt động của tòa án đồng thời đặt ra yêu cầu với mỗi thẩm phán phải luôn với tinh thần tự đào tạo để nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, kỹ năng xây dựng bản án. TAND hai cấp còn chú trọng công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ việc, vụ án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, đến nay đã kiện toàn đầy đủ đội ngũ hòa giải viên, đối thoại viên gồm 26 đồng chí hoạt động hiệu quả. Công tác thi hành án đạt được những kết quả toàn diện, một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã cơ bản được giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Mạnh Dương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Trong năm 2021, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 26/7/2021 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh giúp cơ quan soạn thảo thực hiện đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, tham gia ý kiến đối với hơn 350 dự thảo văn bản, thẩm định 67 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (tăng 24% so với năm 2020), trong đó có những cơ chế, chính sách quan trọng liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Các ý kiến tham gia, thẩm định của Sở Tư pháp là căn cứ để HĐND, UBND tỉnh xem xét, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật. 

Trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Sở đã phối hợp xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bổ trợ tư pháp như: luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; thường xuyên phối hợp với các ngành có liên quan rà soát, củng cố, kiện toàn và phát triển đội ngũ giám định tư pháp đủ về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công chứng, quản tài viên, thi hành án dân sự, hòa giải thương mại, trọng tài thương mại và lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác truyền thông về lĩnh vực trợ giúp pháp lý, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Đồng thời, triển khai tốt chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách.

Ngoài ra, các hoạt động kiểm tra, giám sát trong các cơ quan dân cử thời gian qua được tiến hành thường xuyên, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, góp phần hạn chế sai sót và vi phạm pháp luật trong các cơ quan tư pháp. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện theo đúng quy định, chú trọng giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Đào Quyên