Thứ 7, 02/11/2024, 16:18[GMT+7]

Sớm sửa đổi Luật Quy hoạch một cách căn cơ

Thứ 2, 16/05/2022 | 08:24:35
6,314 lượt xem
Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thực hiện có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý thống nhất trong công tác xây dựng, thực hiện và quản lý quy hoạch, tạo động lực cho sự phát triển của cả nước nói chung, của tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch.

Thành phố Thái Bình.

Xác định tầm quan trọng của công tác quy hoạch với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua Thái Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm đúng luật. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành báo cáo đầu kỳ và đang tập trung xây dựng báo cáo giữa kỳ; dự kiến sẽ hoàn thành dự thảo quy hoạch tỉnh báo cáo Hội đồng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý II/2022. Công tác tổ chức lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn tuân thủ quy định của pháp luật. Đến nay, 8/8 đơn vị cấp huyện đã thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030; 6/7 quy hoạch xây dựng vùng huyện đã được phê duyệt; 100% xã, phường, thị trấn có quy hoạch chung; đặc biệt 100% quy hoạch nông thôn đã được tổ chức thực hiện. Dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 song công tác quy hoạch thời gian qua được tỉnh triển khai hiệu quả đã mở cánh cửa lớn thu hút các nhà đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh, “dẫn đường” cho sự phát triển. Kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng khá, thu ngân sách tăng cao, giải ngân đầu tư công tốt, phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch chậm ban hành; một số quy định, hướng dẫn của bộ, ngành chưa cụ thể, rõ ràng và chưa đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch gây khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, các ngành khi lập quy hoạch. Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức khảo sát việc thực hiện tại một số sở, ngành, địa phương làm cơ sở để Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi Luật Quy hoạch bảo đảm tính khả thi cao. Qua khảo sát, ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị xuất phát từ thực tiễn triển khai Luật Quy hoạch trên địa bàn tỉnh thời gian qua. 

Đồng chí Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng: Việc “tích hợp nội dung” của các quy hoạch trong quy hoạch tỉnh gặp một số khó khăn do đây đều là quy hoạch của thời kỳ trước, Luật chỉ nên quy định “kế thừa một số nội dung còn giá trị” thay vì “tích hợp nội dung” vào quy hoạch tỉnh thời kỳ tiếp theo. Luật Xây dựng quy định mọi khu chức năng có quy mô dưới 500ha đều phải lập quy hoạch phân khu, trong khi thực tế một số khu chức năng có quy mô nhỏ, như khu thể dục thể thao, đào tạo... chỉ cần quy hoạch chi tiết để đơn giản hóa thủ tục. Thời kỳ quy hoạch giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị có sử dụng đất chưa có sự thống nhất cũng dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện. 

Công tác lập quy hoạch với lĩnh vực giao thông cũng xuất hiện tồn tại, vấn đề phát sinh cần tháo gỡ bằng cách sửa đổi luật hiện hành. 

Đồng chí Vũ Xuân Thành, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh có tính gắn kết cao với quy hoạch của tỉnh song chưa được phân cấp cho các địa phương trong đầu tư, quản lý, khai thác nhằm huy động, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có. Hiện nay, phương tiện giao thông đường bộ phát triển đa dạng loại hình nhưng lại chưa có khung pháp lý cho một số phương tiện đặc thù; cần bổ sung cấp giấy phép lái xe ba bánh cho người khuyết tật; phải có cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư vào giao thông hơn nữa… Vì vậy, hầu hết lãnh đạo các sở, ngành của Thái Bình đều kiến nghị cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Quy hoạch một cách căn cơ, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho công tác lập, triển khai thực hiện quy hoạch.

Đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh khẳng định: Những kết quả cũng như ý kiến, kiến nghị của các sở, ngành, đơn vị mà Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận được qua khảo sát sẽ được tổng hợp, chuyển Quốc hội nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm sự thống nhất, không phát sinh thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện Luật Quy hoạch. Đó cũng là căn cứ để các đại ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào công tác xây dựng luật tại các kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, khi thực hiện Luật Quy hoạch hiện hành, UBND tỉnh, cơ quan lập quy hoạch tỉnh, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn thiện nội dung, quy hoạch chuyên ngành, kỹ thuật tích hợp vào quy hoạch tỉnh, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ để rà soát, điều chỉnh, lập các quy hoạch cấp dưới. Thực hiện có hiệu quả nội dung quy hoạch được phê duyệt; làm tốt công tác quản lý nhà nước việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về công tác quy hoạch, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, đất đai.

Thu Hiền