Chống mua bán người - vấn đề toàn cầu, cần sự hợp tác quốc tế
Sự kiện này truyền đi thông điệp rằng phòng, chống mua bán người là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mua bán người là vấn đề toàn cầu; cần thúc đẩy sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ truyền hình, không gian mạng để tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người cho nhân dân…
Vấn đề toàn cầu
Theo báo cáo do Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) thực hiện dựa trên số liệu thu thập từ năm 2016 - 2020 tại 148 quốc gia, buôn người để lạm dụng tình dục là phổ biến nhất, chiếm 50% tổng số vụ bị phát hiện. Trong khi đó, 38% số nạn nhân bị buôn bán vào mục đích lao động cưỡng bức, chủ yếu tại khu vực châu Phi hạ Sahara và Trung Đông.
Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến nền kinh tế toàn cầu đảo lộn. Sự bất ổn về kinh tế tạo ra lỗ hổng cho những kẻ buôn bán lao động và tình dục săn mồi. Đã có thêm 124 triệu người trên thế giới bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực do đại dịch, khiến hàng triệu người dễ bị rơi vào cạm bẫy buôn người.
Các chuyên gia cảnh báo, đại dịch tạo "môi trường lý tưởng" cho hoạt động buôn người, khi các chính phủ đang phải tập trung nguồn lực để ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế.
Chuyên gia Helga Gayer, Chủ tịch Nhóm chuyên gia về chống buôn người ở châu Âu (GRETA), nêu rõ: “Những kẻ buôn người đã lợi dụng khủng hoảng dịch COVID-19 bằng cách tranh thủ sự khó khăn về kinh tế của nhiều người trong bối cảnh đại dịch. Ngoài ra, trong khi các cơ quan chức năng cảnh báo về sự gia tăng tội phạm liên quan tới bóc lột tình dục và tội phạm mạng, thì việc thiếu nguồn lực và sự chậm trễ trong các thủ tục pháp lý đã cản trở nỗ lực kết tội những kẻ buôn người, để công lý được thực thi và các nạn nhân được bồi thường”.
Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia được thông qua tháng 11/2000 là công cụ ràng buộc về pháp lý toàn cầu duy nhất chống lại nạn mua bán người. Các thể chế đa phương toàn cầu cũng thúc đẩy và triển khai nhiều sáng kiến hiệu quả phòng chống nạn buôn người, như sáng kiến chung của Liên minh châu Âu (EU) và UNODC mang tên Hành động toàn cầu phòng, chống mua bán người cũng như người di cư ở châu Á và Trung Đông.
Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ACTIP) được các nhà lãnh đạo ASEAN ký kết vào ngày 21/11/2015 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur - Malaysia. Tính tới thời điểm hiện nay đã có 9 quốc gia thành viên ASEAN phê chuẩn ACTIP. ACTIP là công ước ràng buộc tầm khu vực duy nhất về mua bán người bên ngoài châu Âu. Văn bản này cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ và một quyết tâm chung chưa từng có của các quốc gia thành viên trong cuộc đấu tranh chống nạn mua bán người.
Phòng, chống mua bán người ở Việt Nam
Chính phủ Việt Nam đã áp dụng rất nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn tội phạm buôn bán người, trong đó có việc triển khai Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 và Luật Phòng, chống mua bán người. Trong những năm qua, công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng không ngừng được tăng cường và thực hiện hiệu quả.
Tội phạm mua bán người đã được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tại Điều 150 (tội mua bán người) và Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi).
So với Bộ luật Hình sự năm 1985 và Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể, rõ ràng các hành vi khách quan của tội phạm mua bán người cũng như các tình tiết định khung hình phạt của tội phạm này.
Cấu thành cơ bản của tội mua bán người được các nhà làm luật quy định là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác để thực hiện một trong các hành vi phạm tội. Tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi đều quy định 3 nhóm hành vi.
Nhóm thứ nhất là hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, có kèm theo việc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Đây là hành vi mua bán thông thường đã được quy định tại các Bộ luật Hình sự năm 1985 và 1999.
Nhóm thứ hai là hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
Nhóm thứ ba là tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi thuộc hành vi thứ nhất và hành vi thứ hai.
Điều 150 quy định: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm: có tổ chức; vì động cơ đê hèn; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b, khoản 3 của Điều này; đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của Việt Nam; phạm tội với từ 2 - 5 người; phạm tội 2 lần trở lên.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: có tính chất chuyên nghiệp; đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên; làm nạn nhân chết hoặc tự sát; phạm tội với 6 người trở lên; tái phạm nguy hiểm.
Tăng cường sự hợp tác quốc tế
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia, tổ chức quốc tế về phòng, chống mua bán người không ngừng được mở rộng, nhất là với các nước trong khu vực và có đông nạn nhân là người Việt bị mua bán.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 nhằm mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả các nạn nhân của nạn mua bán người.
Thượng tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Công an), Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình ASEAN - Australia về chống mua bán người tại Việt Nam, cho biết: Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, tội phạm mua bán người mang tính chất xuyên biên giới quốc gia nên các quốc gia cần phải có sự hợp tác, phối hợp để ngăn ngừa những hành vi phạm tội có tính chất vượt ra ngoài lãnh thổ của một quốc gia. Hoạt động mua bán người diễn ra chủ yếu tại các khu vực biên giới.
Thứ hai, quy trình tố tụng và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm mua bán người đặt ra yêu cầu hợp tác quốc tế với quốc gia nơi chủ thể tội phạm mang quốc tịch, quốc gia là nơi trung chuyển tội phạm… Vấn đề hợp tác tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người bao gồm phối hợp trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, tương trợ tư pháp trong việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai, cung cấp tài liệu. Để đạt được điều này, cần có sự hợp tác song phương và đa phương giữa các quốc gia trong cùng khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Thứ ba, phương thức và thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Để ứng phó hiệu quả với loại tội phạm này, các lực lượng chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác để kịp thời phát hiện, ngăn chặn.
Thứ tư, hợp tác quốc tế đang là xu hướng tất yếu trong cuộc đấu tranh trước những mối đe dọa về an ninh của các loại tội phạm xuyên quốc gia nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng. Không có bất kì một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự giải quyết được mà cần sự phối hợp giữa các quốc gia, sự hợp tác giữa các tổ chức quốc tế.
Thứ năm, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới và hiện vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Các nước cần tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, tăng cường hợp tác về mọi mặt nhằm ứng phó với dịch bệnh, trong đó có hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Theo Tin tức/TTXVN
Tin cùng chuyên mục
- Thành phố: 250 hội viên phụ nữ được tuyên truyền, phổ biến pháp luật 04.11.2024 | 15:02 PM
- Tiêu hủy hàng vạn sản phẩm là hàng lậu, hàng giả 02.10.2024 | 15:45 PM
- Khảo sát tình hình triển khai, thi hành Luật Khoáng sản 18.09.2024 | 18:55 PM
- Trạm Cảnh sát đường thủy thành phố: Bắt quả tang đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy 16.09.2024 | 10:43 AM
- Bắt giữ tàu khai thác cát trái phép trên sông Hóa 30.08.2024 | 15:32 PM
- Công an huyện Hưng Hà bắt giữ đối tượng trộm cắp tài sản chuyên nghiệp 13.08.2024 | 15:36 PM
- Công an huyện Vũ Thư xử phạt trường hợp vi phạm giao thông từ hình ảnh người dân cung cấp 06.08.2024 | 13:59 PM
- Công an huyện Đông Hưng: Đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy 24.06.2024 | 20:52 PM
- Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy và an toàn giao thông tại thị trấn Đông Hưng 13.06.2024 | 17:58 PM
- Ban Pháp chế, HĐND tỉnh: Giám sát công tác bảo đảm an ninh trật tự tại huyện Tiền Hải 29.02.2024 | 15:50 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng