Thứ 2, 25/11/2024, 02:56[GMT+7]

Hưởng ứng ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11 10 năm thực hiện ngày Pháp luật 9/11

Thứ 4, 09/11/2022 | 08:43:08
4,079 lượt xem
Ngày 9/11 - ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 được xác định là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi tắt là ngày Pháp luật) đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân khu vực biên giới biển.

Sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được Quốc hội thông qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND, ngày 10/9/2012 hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Qua 10 năm triển khai ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh đã được các địa phương, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng, thực hiện với nhiều hoạt động, cách làm sáng tạo, hiệu quả, mang lại hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, góp phần xây dựng lối sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, bám sát chủ đề, nội dung trọng tâm được cơ quan cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn. Việc tổ chức thực hiện ngày Pháp luật cơ bản bảo đảm tính thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của ngành, địa phương.

Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 50.858 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp (thông qua hội nghị, tọa đàm, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật...) với sự tham gia của gần 5 triệu lượt người. Các cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp tập trung vào việc phổ biến quy định của Hiến pháp, pháp luật, trong đó trọng tâm là một số lĩnh vực pháp luật như dân sự, hình sự, hành chính, tổ chức bộ máy nhà nước, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đất đai, khiếu nại, tố cáo, lao động, giao thông, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, hôn nhân và gia đình, cán bộ, công chức, đầu tư, kinh doanh, phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng, phòng, chống tệ nạn xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân... Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 1.873 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút 1.501.216 lượt người dự thi. Điển hình cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã thu hút được nhiều người tham gia dự thi nhất với 186.504 bài tham gia dự thi (chiếm 10,46% dân số của tỉnh) của 37 sở, ngành, đơn vị và 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Nhiều cuộc thi cũng thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tham gia như cuộc thi trực tuyến “Pháp luật với mọi người”; tìm hiểu Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Hợp tác xã; cuộc thi viết “Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả cho thanh thiếu niên”; cuộc thi trắc nghiệm online “Tìm hiểu về phòng, chống xâm hại trẻ em” với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”... Hình thức tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật được thể hiện khá đa dạng như thi viết tìm hiểu pháp luật, theo hình thức sân khấu hóa, tìm hiểu pháp luật trực tuyến... bảo đảm phù hợp với nhiều đối tượng tham gia dự thi.  

Để tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng internet, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình đã xây dựng và phát sóng 228 số chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống”, gần 3.500 mục “Văn bản chính sách” (1 số/ngày), gần 500 mục hỏi đáp pháp luật. Báo Thái Bình phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng nhiều chuyên trang phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều lĩnh vực pháp luật được tuyên truyền trên Báo Thái Bình. Đặc biệt, từ năm 2019, Báo Thái Bình phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng chuyên mục “Phổ biến giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý” với 1 số/tuần nhận được sự quan tâm, đón đọc của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống loa truyền thanh của 260 xã, phường, thị trấn đã và đang hoạt động hiệu quả với trung bình mỗi tuần phát sóng 2 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Ngoài ra, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương cũng đã và đang phát huy tốt vai trò tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã từng bước ứng dụng, phát huy được thế mạnh của mạng internet trong công tác tuyên truyền pháp luật, hưởng ứng, tổ chức thực hiện ngày Pháp luật bằng nhiều hình thức.

Biên soạn, phát hành tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật (sách, sổ tay, tờ gấp, tài liệu hỏi - đáp pháp luật...) là một điểm nhấn trong kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với 4.057.422 bản sách, tài liệu pháp luật được cung cấp, phát hành tới các đối tượng tuyên truyền. Nội dung tài liệu bao gồm nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, hướng tới nhiều đối tượng trong xã hội.

Cán bộ Đồn Biên phòng Trà Lý phát tờ rơi tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam cho học sinh.

Ngoài các hình thức trên, công tác hưởng ứng, triển khai ngày Pháp luật trên địa bàn tỉnh còn được thực hiện bằng nhiều hình thức khác như: Tổ chức cung cấp thông tin, tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; hoạt động xây dựng pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật; tổ chức các đợt cao điểm hưởng ứng, thực hiện ngày Pháp luật; hoạt động tiếp công dân; giải quyết thủ tục hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa văn nghệ; thông qua các thiết chế văn hóa ở cơ sở; sinh hoạt của tổ chức chính trị, các đoàn thể; sinh hoạt câu lạc bộ; thông qua chương trình giáo dục pháp luật, giáo dục công dân trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân; niêm yết văn bản pháp luật, thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan, tổ chức; treo pa nô, áp phích, tranh cổ động tại trụ sở cơ quan, đường phố, khu trung tâm, các địa điểm công cộng... và các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Qua 10 năm triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và triển khai ngày Pháp luật nói riêng đã có tác động lớn, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đối với công tác này; tác động tích cực vào quá trình xây dựng, thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật; góp phần hình thành ý thức chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân; phòng ngừa vi phạm pháp luật; giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có được những kết quả trên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, công tác triển khai ngày Pháp luật nói riêng trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vai trò, ý nghĩa của ngày Pháp luật đối với đời sống xã hội ngày càng được nâng lên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông đã giúp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai ngày Pháp luật được thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Bên cạnh những mặt thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn và thách thức do nhận thức về vai trò, ý nghĩa của ngày Pháp luật đối với công tác quản lý nhà nước và đời sống xã hội chưa đầy đủ nên một số cơ quan, địa phương chưa chủ động, chưa tích cực trong công tác hưởng ứng, tổ chức thực hiện ngày Pháp luật hoặc còn có tư tưởng trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan cấp trên, tổ chức các hoạt động hưởng ứng mang tính phong trào, hình thức, thiếu hiệu quả. Nguồn kinh phí và trang thiết bị phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, công tác triển khai ngày Pháp luật nói riêng chủ yếu do ngân sách nhà nước cấp nên khó khăn trong việc đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ở mức độ cao, chưa huy động được các nguồn kinh phí, tài trợ khác cho hoạt động này. Hình thức hưởng ứng, tổ chức triển khai thực hiện ngày Pháp luật chậm đổi mới, thiếu linh hoạt. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, hưởng ứng, triển khai ngày Pháp luật còn hạn chế nên hiệu quả khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai ngày Pháp luật còn thấp. Qua đó đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các ngành, các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, việc tổ chức ngày Pháp luật nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Mạnh Dương
(Phó Giám đốc Sở Tư pháp)