Thứ 6, 26/04/2024, 11:29[GMT+7]

Nâng cao nhận thức về phòng, chống xâm hại trẻ em

Thứ 3, 13/12/2022 | 21:18:01
7,720 lượt xem
Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, phòng, chống xâm hại trẻ em. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện nhiều văn bản liên quan đến trẻ em trên phạm vi toàn tỉnh, nhờ đó trẻ em được phát triển một cách toàn diện và có cuộc sống ngày một tốt hơn.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Toàn tỉnh hiện có trên 439.000 trẻ em, chiếm khoảng 22,6% dân số. Thời gian qua, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kỹ năng tự bảo vệ bản thân.

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Sở đã chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; theo dõi, cập nhập dữ liệu trẻ em vào phần mềm quản lý trẻ em; phối hợp xây dựng và duy trì hoạt động các mô hình, điểm tư vấn, câu lạc bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em như mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, điểm tư vấn tại cộng đồng và trường học. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng. Các vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, góp phần phòng ngừa vi phạm, tội phạm xâm hại trẻ em.

Nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành nên nhiều mục tiêu về trẻ em đến nay đã đạt được kết quả đáng khích lệ như giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tăng tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc lên trên 94%; trẻ em vi phạm pháp luật được quản lý tốt; giải quyết kịp thời các trường hợp trẻ em bị xâm hại ngay sau khi được phát hiện, giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng. Mặc dù vậy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em còn một số hạn chế như: Việc bố trí nguồn lực về kinh phí ở nhiều địa phương cấp huyện còn rất hạn chế, chưa tương xứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; hiện cấp xã chưa bố trí được kinh phí hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em chưa thường xuyên liên tục, nội dung và hình thức tuyên truyền còn hạn chế. Tình hình trẻ em bị xâm hại nói chung và trẻ em bị xâm hại tình dục nói riêng xảy ra trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.

Theo ông Bùi Văn Huân, để công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh đạt được hiệu quả, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; quán triệt, triển khai chính sách, pháp luật, các văn bản về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; thường xuyên lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ về trẻ em vào chương trình, nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và theo từng giai đoạn. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là các chủ thể trực tiếp nuôi dưỡng, quản lý các em; cần lưu ý về nội dung, hình thức, địa bàn, đối tượng tiếp thu, tăng cường tuyên truyền trên internet, mạng xã hội. Từ đó tạo ra dư luận rộng khắp, lên án các hành vi xâm hại trẻ em. Tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở, nhân rộng mô hình về phòng, chống xâm hại trẻ em. Chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp; tăng cường phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về phòng, chống xâm hại trẻ em. Thực hiện tốt công tác nắm tình hình, quản lý đối tượng, nhất là số đối tượng đã có tiền án về tội xâm hại trẻ em. Cùng với đó là giải quyết, can thiệp, hỗ trợ kịp thời trường hợp trẻ em bị xâm hại ngay sau khi được phát hiện.

Xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em là phạm tội rất nghiêm trọng, tác động, ảnh hưởng rất lớn cả về thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em. Việc phòng, chống xâm hại trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành nào, cấp nào mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội. Có như vậy mới xây dựng được môi trường sống an toàn để bảo đảm mọi trẻ em đều được phát triển một cách toàn diện.


Duy Tùng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày