Chủ nhật, 24/11/2024, 23:02[GMT+7]

Hỏi đáp về quản lý, sử dụng vũ khí, Vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và quản lý, sử dụng pháo

Thứ 5, 12/01/2023 | 08:45:57
9,752 lượt xem

Câu 3: Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải có các điều kiện, trách nhiệm gì?

Trả lời:

Điều 7 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định:

- Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đủ 4 điều kiện sau:

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao;

+ Không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của tòa án;

+ Đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

- Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có các trách nhiệm sau đây:

+ Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định;

+ Khi mang vũ khí, công cụ hỗ trợ phải mang theo giấy chứng nhận, giấy phép sử dụng;

+ Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng chế độ, đúng quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng;

+ Bàn giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy phép cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản theo đúng quy định sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao.

Câu 4: Trường hợp nào được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

Trả lời:

Khoản 1 và khoản 2, Điều 12 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ từ nước ngoài vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các trường hợp sau:

+ Bảo vệ khách quốc tế là đối tượng cảnh vệ đến thăm và làm việc tại Việt Nam;

+ Luyện tập, thi đấu thể thao; triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm; làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật;

+ Theo chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ ra, vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp sau đây:

+ Bảo vệ đối tượng cảnh vệ theo quy định của Luật Cảnh vệ;

+ Luyện tập, thi đấu thể thao; triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm; làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật;

+ Theo chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Câu 5: Đối tượng nào được trang bị vũ khí quân dụng?

Trả lời:

Khoản 1, Điều 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định 9 đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng bao gồm:

- Quân đội nhân dân;

- Dân quân tự vệ;

- Cảnh sát biển;

- Công an nhân dân;

- Cơ yếu;

- Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm lâm, Kiểm ngư;

- An ninh hàng không;

- Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.

Câu 6: Đối tượng nào nào được trang bị công cụ hỗ trợ?

Trả lời:

 Khoản 1, Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định 16 đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ bao gồm:

- Quân đội nhân dân;

- Dân quân tự vệ;

- Cảnh sát biển;

- Công an nhân dân;

- Cơ yếu;

- Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Cơ quan thi hành án dân sự;

- Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, kiểm ngư, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản;

- Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan;

- Đội kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường;

- An ninh hàng không, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải;

- Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ;

- Ban bảo vệ dân phố;

- Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;

- Cơ sở cai nghiện ma túy;

- Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Câu 7: Nguyên tắc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 63 Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trình báo, khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất trong trường hợp không thuộc đối tượng trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kỳ nguồn nào hoặc phát hiện, thu nhặt được.

- Việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm an toàn và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Việc vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom được phải sử dụng phương tiện chuyên dùng hoặc các phương tiện khác nhưng phải bảo đảm an toàn.

- Việc tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được tiến hành thường xuyên và thông qua các đợt vận động.

- Vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn giá trị sử dụng sau khi được phân loại sẽ được đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật.

- Việc phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trang bị đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định; đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

- Người làm công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ và được trang bị các thiết bị bảo vệ để bảo đảm an toàn.

(còn nữa)

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp