Thứ 6, 22/11/2024, 09:13[GMT+7]

Triển khai thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản

Thứ 5, 16/02/2023 | 14:48:22
4,527 lượt xem
Sáng ngày 16/2, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản (biện pháp bảo đảm).

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Nghị định gồm 5 chương và 58 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2023, thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Về cơ bản Nghị định số 99 vẫn giữ một số nội dung của Nghị định số 102, đồng thời bổ sung một số nội dung mới để phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Nghị định số 99 quy định rõ nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin; hiệu lực của đăng ký; cơ quan đăng ký, cơ quan cung cấp thông tin; trình tự, thủ tục chung về đăng ký biện pháp bảo đảm và trình tự, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm đối với từng loại tài sản; công tác quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm. Nghị định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Nghị định số 99 ra đời nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm; thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoạt động của cơ quan đăng ký và hệ thống đăng ký; khắc phục những vướng mắc, bất cập, đồng thời nắm bắt, bao quát được những vấn đề mới, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn và trong quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Trịnh Cường