Thứ 6, 29/03/2024, 01:55[GMT+7]

Hỏi đáp pháp luật liên quan đến tiêu chí đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thứ 2, 13/03/2023 | 09:11:21
2,707 lượt xem

Ảnh minh họa.

Câu 1. Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có mục đích, ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thông qua 5 tiêu chí và 20 chỉ tiêu của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg có mục đích, ý nghĩa quan trọng trước yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật, góp phần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, cụ thể như sau:

- Đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là những lĩnh vực trực tiếp gắn với quyền, lợi ích của người dân. Qua đó bảo đảm tính nghiêm minh, tính gương mẫu, thượng tôn pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội của chính quyền cấp xã, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp hành chính gần dân nhất, hiểu dân nhất để phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

- Từ kết quả đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm, chính quyền cấp xã có điều kiện nhận diện tổng thể, toàn diện, kịp thời những mặt được, mặt còn hạn chế, khó khăn trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ. Đây là cơ sở giúp chính quyền cấp xã có giải pháp khắc phục, xử lý kịp thời, phù hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng trong hoạt động của chính quyền cấp xã; thúc đẩy thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Câu 2. Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg được áp dụng đối với đối tượng nào?

Trả lời:

Trước hết, xã, phường, thị trấn là đối tượng được đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đây là đơn vị hành chính nhỏ nhất trong hệ thống các đơn vị hành chính, chính quyền địa phương cấp xã là cấp hành chính gần dân nhất, hiểu dân nhất.

Việc tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã có ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên, liên tục đến cuộc sống hàng ngày và quyền, lợi ích của người dân.

Bên cạnh đó, việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn có trách nhiệm, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong đó bao gồm các chủ thể tham gia trực tiếp vào việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, công chức cấp xã, cấp huyện được phân công nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật), các chủ thể tham gia chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn như Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Câu 3. Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như thế nào?

Trả lời:

Có 5 tiêu chí và 20 chỉ tiêu đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cụ thể như sau:

- Tiêu chí 1: Ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn gồm 2 chỉ tiêu:

+ Chỉ tiêu 1: Ban hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao;

+ Chỉ tiêu 2: Ban hành đúng quy định pháp luật các văn bản hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.

- Tiêu chí 2: Tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật gồm 6 chỉ tiêu:

+ Chỉ tiêu 1: Công khai các thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin và thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

+ Chỉ tiêu 2: Cung cấp thông tin theo yêu cầu kịp thời, chính xác, đầy đủ theo đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin;

+ Chỉ tiêu 3: Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;

+ Chỉ tiêu 4: Triển khai các hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở;

+ Chỉ tiêu 5: Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho tuyên truyền viên pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật;

+ Chỉ tiêu 6: Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Tiêu chí 3: Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý gồm 3 chỉ tiêu:

+ Chỉ tiêu 1: Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

+ Chỉ tiêu 2: Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;

+ Chỉ tiêu 3: Thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý.

- Tiêu chí 4: Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gồm 5 chỉ tiêu:

+ Chỉ tiêu 1: Tổ chức trao đổi, đối thoại với nhân dân theo đúng quy định pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương;

+ Chỉ tiêu 2: Tổ chức để nhân dân bàn, quyết định trực tiếp các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

+ Chỉ tiêu 3: Tổ chức để nhân dân bàn, biểu quyết các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

+ Chỉ tiêu 4: Tổ chức để nhân dân tham gia ý kiến các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

+ Chỉ tiêu 5: Tổ chức để nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát các nội dung theo đúng quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

- Tiêu chí 5: Tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội gồm 4 chỉ tiêu

+ Chỉ tiêu 1: Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo;

+ Chỉ tiêu 2: Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính;

+  Chỉ tiêu 3: Không có cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Chỉ tiêu 4: Đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo đúng quy định pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

(còn nữa)

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày