Thứ 7, 02/11/2024, 06:14[GMT+7]

Hỏi đáp pháp luật liên quan đến tiêu chí đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Thứ 2, 10/04/2023 | 08:59:44
2,352 lượt xem

(Tiếp theo)

Câu 14. Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định thời hạn đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như thế nào?

Trả lời:

Có 2 thời hạn có liên quan đến việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bao gồm:

- Thời hạn được tính để xác định, chấm điểm kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật: Tính từ ngày 1/1 đến 31/12 hàng năm.

Việc quy định thời hạn rà soát, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phù hợp với thời hạn thực hiện thống kê, báo cáo hàng năm của địa phương, giúp cho việc thống kê, báo cáo được thuận tiện, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí.

- Thời hạn thực hiện quy trình đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Là khoảng thời gian thực hiện các hoạt động rà soát, chấm điểm, đánh giá, đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Để tạo sự chủ động cho địa phương, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg không quy định cụ thể thời hạn thực hiện của từng nhiệm vụ, hoạt động thực hiện quy trình (các địa phương có thể rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật theo tháng, quý, 6 tháng...) mà chỉ quy định thời điểm cấp xã gửi hồ sơ đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến Phòng Tư pháp cấp huyện (trước ngày 10/1 của năm liền kề sau năm đánh giá), thời điểm cấp huyện xem xét, quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (trước ngày 10/2 của năm liền kề sau năm đánh giá).
So với Quyết định số 619/QĐ-TTg, thời hạn thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được sửa đổi theo hướng tăng cho cả cấp xã (tăng từ 5 ngày lên 10 ngày) và cấp huyện (tăng từ 20 ngày lên 30 ngày), bảo đảm phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ được giao của từng cấp.

Câu 15. Trình tự đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở cấp xã được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BTP; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (cấp xã) tổ chức triển khai việc tự chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy trình sau đây:

- Bước 1: Các công chức chuyên môn cấp xã theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tự chấm điểm, tổng hợp kết quả; lấy ý kiến và tổng hợp kết quả đánh giá hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở; chuẩn bị tài liệu đánh giá; đề xuất giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có);

- Bước 2: Công chức tư pháp - hộ tịch xây dựng dự thảo báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu.

- Bước 3: Niêm yết công khai dự thảo báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu tại trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn ít nhất 5 (năm) ngày; đăng tải trên cổng (hoặc trang) thông tin điện tử trong thời hạn ít nhất 5 (năm) ngày hoặc thông báo trên đài truyền thanh cấp xã (nếu có) ít nhất 3 (ba) lần trong thời hạn ít nhất 5 (năm) ngày.

 Hết thời hạn nêu trên, công chức tư pháp - hộ tịch chủ trì, phối hợp với các công chức chuyên môn cấp xã theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, khách quan ý kiến của nhân dân, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân (nếu có) về báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu và các vấn đề khác liên quan đến việc chấm điểm, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

- Bước 4: Tổ chức cuộc họp xem xét, đánh giá, thống nhất kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của xã, phường, thị trấn. Cuộc họp do đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì. Thành phần cuộc họp bao gồm các công chức chuyên môn được giao theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu; đại diện công an cấp xã; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; trưởng thôn, làng, bản, ấp, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn); tổ trưởng tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu (sau đây gọi chung là tổ dân phố);

- Bước 5: Căn cứ kết quả cuộc họp, nếu xã, phường, thị trấn đáp ứng đầy đủ các điều kiện công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định tại Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định tại khoản 4 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg (bằng bản giấy hoặc bản điện tử) đến phòng tư pháp cấp huyện trước ngày 10 tháng 1 của năm liền kề sau năm đánh giá.

Câu 16. Sau cuộc họp đánh giá, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã A giao công chức tư pháp - hộ tịch hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hỏi hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gồm những giấy tờ gì? Xã có phải gửi kèm theo các tài liệu đánh giá theo quy định tại Thông tư số 09/2021/QĐ-TTg hay không?

Trả lời:

Theo khoản 4 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, hồ sơ đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bao gồm:

- Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

- Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu.

- Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức, cá nhân về kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có).

- Văn bản đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật;

- Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Các biểu mẫu giấy tờ nêu trên được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1 Điều 4 và phụ lục II Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Theo đó, công chức tư pháp - hộ tịch có thể lồng ghép văn bản đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Mẫu 1 phụ lục II. Bản tổng hợp điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu được thực hiện theo mẫu 2 phụ lục II; bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân về kết quả đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo mẫu 3 phụ lục II. Các tài liệu khác có liên quan như: Phiếu lấy ý kiến, bản tổng hợp kết quả đánh giá về hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở theo mẫu 4 phụ lục II,...

Về tài liệu đánh giá, phụ lục I Thông tư số 09/2021/TT-BTP quy định là căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp xã xác định kết quả, điểm số của các tiêu chí, chỉ tiêu và không gửi kèm theo hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã cung cấp các tài liệu cụ thể phục vụ việc kiểm tra, đánh giá, thẩm định, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

(Còn nữa)

Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp