Thứ 6, 22/11/2024, 05:38[GMT+7]

Ngăn chặn tình trạng trẻ hóa tội phạm

Thứ 3, 30/05/2023 | 11:28:15
4,427 lượt xem
Thời gian qua, công tác phòng, chống tội phạm, kiềm chế, kéo giảm bền vững 5% tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, một bộ phận tội phạm có xu hướng trẻ hóa, diễn biến phức tạp cả về tính chất, mức độ và hậu quả. Đây là một vấn nạn xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự cần được quan tâm, tìm giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Cơ quan công an đấu tranh với đối tượng phạm tội cướp tài sản.

Để giải quyết mâu thuẫn, tối ngày 6/4 nhóm học sinh Trường THPT Đông Thụy Anh (Thái Thụy) hẹn nhau ra nhà văn hóa thị trấn Diêm Điền để nói chuyện. Lời qua tiếng lại, hai bên lao vào đánh nhau, hậu quả 3 nạn nhân: N.Q.L, P.T.D và N.Q.T cùng 16 tuổi, trú tại thị trấn Diêm Điền bị chém gây thương tích, phải đưa đi cấp cứu. 

Trước đó, từ tháng 11 - 12/2022, trên địa bàn huyện Thái Thụy liên tiếp xảy ra 3 vụ việc các đối tượng còn đang ngồi trên ghế nhà trường có lối hành xử “giang hồ” khi chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt nhưng sẵn sàng dùng hung khí như vật nhọn, dao, dao phóng lợn đâm bạn để giải quyết mâu thuẫn, khúc mắc. Một số nhóm đối tượng phạm tội liên tỉnh cũng chọn Thái Bình là địa bàn để gây án. 

Ngày 31/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 10 đối tượng về tội “Cướp tài sản”. Các đối tượng đều sinh từ các năm 1999 - 2007 và thường trú tại Hải Phòng, do không có việc làm ổn định, không có tiền tiêu xài, tụ tập nhau sử dụng xe mô tô cá nhân, lợi dụng buổi tối, đường vắng ít người qua lại sang các tỉnh Hải Dương, Thái Bình gặp người đi đường chặn xe, đe dọa cướp tài sản. Tuy tuổi còn trẻ nhưng hành vi của nhóm đối tượng rất manh động, nếu bị phát hiện, truy đuổi sẽ dùng dao phóng lợn và các vũ khí, công cụ mang theo chống trả để tẩu thoát. Đó là những ví dụ điển hình về xu hướng trẻ hóa tội phạm khi thủ phạm các vụ án còn đang ở tuổi thanh thiếu niên.

Hành vi phạm tội do người ở lứa tuổi thanh thiếu niên gây ra khá phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là do tâm sinh lý lứa tuổi này phát triển chưa hoàn thiện, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, kích động tham gia vào những việc làm sai trái, dễ nảy sinh hành vi phạm tội. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục con em chưa thật sự chặt chẽ, thường xuyên, nhiều thời điểm còn mang tính hình thức. Lối sống buông thả, bạo lực, các hành vi phản cảm tác động tiêu cực của internet, mạng xã hội ảnh hưởng rất lớn đối với thanh thiếu niên đang trong giai đoạn phát triển về nhận thức. 

Trước tình hình trên, bên cạnh thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kéo giảm tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong độ tuổi thanh thiếu niên cũng được Công an tỉnh đặc biệt chú trọng. 

Thượng tá Vũ Đức Mạnh, Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh cho biết: Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nghị quyết liên tịch về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; trong đó, chú trọng công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm do người ở tuổi thanh thiếu niên gây ra. Cùng với đó, đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vị trí, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tội phạm do người ở tuổi thanh thiếu niên. Tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục, quản lý thanh thiếu niên tại gia đình, nhà trường, địa phương để chủ động giáo dục, ngăn ngừa tội phạm từ cơ sở. Triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm trong thanh thiếu niên. Đến nay, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đã phối hợp với các đơn vị, địa phương thành lập và duy trì hoạt động 150/328 “Tổ tự quản an ninh, trật tự học đường” tại các cơ sở giáo dục đủ điều kiện. Các mô hình bước đầu góp phần tích cực vào công tác bảo đảm tốt an ninh, an toàn trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Đồng chí Thiệu Minh Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Đoàn thanh niên toàn tỉnh đã duy trì và thành lập mới 24 câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật” với gần 900 thành viên. Triển khai 350 hòm thư tố giác, 143 đội hình thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện, đội tự quản bảo đảm an ninh trật tự học đường với 534 đoàn viên, thanh niên tại cơ sở. 47/47 đoàn trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 100% các liên đội trong toàn tỉnh phối hợp tuyên truyền về pháp luật và tổ chức cho đoàn viên, thanh niên ký cam kết không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội...

Các hành vi vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên đều đã có quy định xử phạt như cảnh cáo, phạt tiền và các hình thức, biện pháp bắt buộc đưa vào cơ sở giáo dục... Đặc biệt, Bộ luật Hình sự cũng quy định hình phạt cho từng nhóm tuổi vị thành niên. Điều quan trọng nhất để phòng ngừa tội phạm do người ở tuổi thanh thiếu niên gây ra là sự giáo dục, sẻ chia từ gia đình, nhà trường và các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương, qua đó kịp thời nắm bắt tư tưởng, giáo dục thanh thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc giáo dục, quản lý con em mình rất quan trọng. Ngoài việc giáo dục kiến thức, các nhà trường cần tăng thời lượng, chất lượng đào tạo kỹ năng sống, lối sống văn hóa, đặc biệt là ứng xử theo quy định của pháp luật. Chỉ khi học sinh nắm được các quy định của pháp luật, nhận thức được tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội thì mới có thể tạo sự chuyển biến tích cực.

Trịnh Cường