Thứ 7, 23/11/2024, 04:07[GMT+7]

Nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

Thứ 4, 28/06/2023 | 07:41:35
3,976 lượt xem
Nhiều năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước (Sở Tư pháp) đã triển khai nhiều hoạt động TGPL cho người khuyết tật (NKT), tăng cường truyền thông về TGPL, nâng cao năng lực TGPL và cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho NKT bằng các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tư vấn cho người dân các chính sách liên quan đến đến người khuyết tật.

Thực hiện Quyết định số 28/QĐ-BTP, ngày 10/1/2023 của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND, ngày 9/2/2023 triển khai thực hiện chính sách TGPL cho NKT và NKT có khó khăn về tài chính năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đã phối hợp với Hội Người khuyết tật tỉnh, phòng tư pháp các huyện Đông Hưng, Vũ Thư, Quỳnh Phụ và thành phố Thái Bình tổ chức 15 hội nghị với hơn 1.500 người tham dự; tổ chức in ấn, cấp phát tờ gấp “TGPL miễn phí cho NKT, NKT có khó khăn về tài chính” và lắp đặt bảng thông tin TGPL tại 14 đơn vị cấp xã, phường. Ngoài ra, Trung tâm còn lồng ghép tuyên truyền pháp luật và TGPL cho NKT, giới thiệu các văn bản pháp luật hữu ích, thiết thực trong đời sống cho người dân và NKT.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm thực hiện TGPL 25 vụ việc cho NKT. Cụ thể, hoạt động tham gia tố tụng 12 vụ, tư vấn pháp luật cho 13 vụ việc. Ngoài ra, Trung tâm biên soạn và cấp phát tờ gấp pháp luật về TGPL cho Hội Người khuyết tật tỉnh và NKT, người dân tại cơ sở. Cung cấp danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm cho các cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giữ, trại tạm giam, UBND xã, phường, thị trấn, Hội Người khuyết tật tỉnh...

Tuy nhiên, theo bà Thủy, quá trình làm việc giữa người thực hiện TGPL với NKT còn có những hạn chế do phải phụ thuộc vào các yếu tố khác như khó khăn trong vận động, đi lại của NKT vận động, giao tiếp của người khiếm thính, khiếm thị, người tâm thần... Một số NKT chưa biết về quyền được TGPL do phương pháp truyền thông chưa phù hợp với các dạng tật khác nhau, mới chỉ dừng ở việc tuyên truyền qua tờ gấp và đài phát thanh, các hội nghị TGPL nên thông tin chưa đến được với đông đảo NKT. Bên cạnh đó, đối với NKT, việc đi lại, nghe, nói, tiếp xúc, trao đổi rất khó khăn, vì vậy họ không thể đến nơi tổ chức hội nghị TGPL hay Trung tâm để yêu cầu TGPL trong khi các phương thức đặc thù dành cho NKT chưa có.

Để nâng cao hiệu quả TGPL cho NKT, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước cho biết: Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục bồi dưỡng cho những người làm công tác TGPL kiến thức, kỹ năng chuyên biệt tiếp cận với NKT để bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của NKT về pháp luật. Triển khai các phương thức truyền thông pháp luật và TGPL đặc thù phù hợp với NKT. Tăng cường truyền thông pháp luật về TGPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua tờ gấp pháp luật với hình thức phù hợp (đối với người mù, người không biết chữ thì phổ biến, giáo dục pháp luật bằng lời nói qua băng ghi âm, đài phát thanh...; đối với người câm, điếc, tư vấn và phổ biến, giáo dục pháp luật bằng chữ viết (văn bản, tờ gấp pháp luật), bằng hình ảnh... hoặc thông qua người phiên dịch (giáo viên các trường khuyết tật, người thân trong gia đình...).

 Đại diện Trung tâm TGPL nhà nước (Sở Tư pháp) trao quà cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Lê Hồng Phong.

Minh Phúc