Chủ nhật, 24/11/2024, 06:28[GMT+7]

Phòng, chống bạo lực gia đình: Trách nhiệm của toàn xã hội Kỳ 1: Hồi chuông cảnh tỉnh từ những vụ việc đau lòng

Thứ 6, 28/07/2023 | 06:59:43
6,071 lượt xem
Từ ngày 1/7/2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 chính thức có hiệu lực thi hành, thay thế Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Điều đó cho thấy bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn đề ngày càng được quan tâm, đòi hỏi cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp chính quyền, các đoàn thể và mỗi người dân. Bởi số vụ BLGĐ giảm nhưng mức độ nghiêm trọng từ các vụ việc lại có chiều hướng tăng.

Các hành vi bạo lực gia đình được đội tuyên truyền huyện Quỳnh Phụ phổ biến bằng hình thức sân khấu hóa.

Theo kết quả điều tra quốc gia được công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục nhưng không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Không chỉ có BLGĐ với phụ nữ mà BLGĐ với trẻ em, người già cũng đã xuất hiện nhiều vụ việc nghiêm trọng trong thời gian qua.

Những con số biết nói

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, thành phố, trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ BLGĐ đã phát hiện trên cả nước khoảng 325.000 vụ. Trong khi đó, kết quả điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019 cho thấy BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012). Điều tra cũng cho biết, hơn một nửa phụ nữ đã phải chịu đựng ít nhất một hình thức bạo lực do chồng/bạn tình gây ra. Đây là cuộc điều tra chọn mẫu với tổng số gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 64 đã được điều tra viên phỏng vấn trực tiếp.

Có thể dễ dàng kể ra không ít vụ BLGĐ để lại hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Thái Bình. Tháng 9/2020, tại xã Bình Nguyên (Kiến Xương), người chồng tẩm xăng đốt vợ khiến người vợ bị bỏng nặng, không qua khỏi, để lại 3 con thơ. Khi ấy cháu lớn nhất mới học lớp 1, cháu bé nhất mới 2 tuổi. Tháng 6/2021, tại xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ), do mâu thuẫn gia đình, người chồng cầm dao sát hại cả vợ và bố mẹ vợ. Thương cảm hoàn cảnh 2 con nhỏ của nạn nhân, một số tổ chức, cá nhân đã quyên góp tiền, sổ tiết kiệm động viên, ủng hộ các cháu và gia đình vượt qua khó khăn.

Không chỉ là nạn nhân gián tiếp mà trong nhiều vụ BLGĐ trẻ em bị người tình của bố, mẹ, thậm chí cả bố mẹ ruột bạo hành dẫn tới tử vong. Có thể kể đến như vụ việc “dì ghẻ” và bố bạo hành bé gái 8 tuổi tử vong ở Thành phố Hồ Chí Minh tháng 12/2021; bà ngoại tố cáo mẹ và người tình bạo hành bé gái 3 tuổi tử vong ở Hà Nội vào tháng 3/2020... Nhiều vụ việc BLGĐ được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, lên án mạnh mẽ trong thời gian dài đã cho thấy mức độ nghiêm trọng, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống trong gia đình, đồng thời cho thấy đây là vấn nạn cần cả cộng đồng chung tay đẩy lùi.

Hệ lụy dai dẳng của BLGĐ

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có nhiều nguyên nhân dẫn tới BLGĐ, trong đó một số nguyên nhân chính phải kể đến là khó khăn về kinh tế và ảnh hưởng từ tệ nạn xã hội như đánh bạc, say rượu, sử dụng ma túy, ngoại tình... Tệ nạn xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ và hành vi của các thành viên trong gia đình, đặc biệt thời gian qua có nhiều vụ việc BLGĐ gây hậu quả nghiêm trọng xuất phát từ nguyên nhân người chồng uống rượu nhiều dẫn đến ra tay với vợ, con. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nhất là do nhận thức về bình đẳng giới, khi nhận thức sai rất dễ dẫn đến những hành vi sai trái.

Trên thực tế, với quan niệm “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” vẫn còn tồn tại đã tạo ra định kiến giới sâu sắc về vai trò của người đàn ông, người phụ nữ trong gia đình. Ngoài ra, quan niệm đàn ông làm chủ gia đình, đàn ông phải làm việc lớn cũng tạo nên áp lực tinh thần đối với nam giới. Từ đó dẫn đến những hành vi bạo lực bột phát trong gia đình. Về phía bản thân những người phụ nữ, không ít người còn tư tưởng “xấu chàng hổ ai” nên không dám nói ra câu chuyện của gia đình. Đây là rào cản lớn trong công tác phòng, chống BLGĐ. Nhiều nghiên cứu, điều tra về BLGĐ do Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện cho thấy: 12,3% số người được hỏi đồng ý rằng chồng có thể đánh vợ và 40% đồng ý chồng có thể mắng, chửi vợ nếu “vợ không nghe lời chồng”; 12,1% đồng ý chồng có thể đánh vợ và 44,3% đồng ý chồng có thể mắng chửi vợ nếu “vợ đi chơi không nói cho chồng biết”. Đáng quan tâm hơn, tỷ lệ nữ đồng ý với quan niệm chồng được phép đánh hoặc mắng vợ lại cao hơn nam.

Đội tuyên truyền huyện Vũ Thư phổ biến về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Bà Phan Thị Hà, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Hậu quả của mỗi hành vi BLGĐ dù trực tiếp hay gián tiếp đều tác động và ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc của gia đình và trật tự xã hội, để lại những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe thể xác, tinh thần đối với những người bị bạo hành. Họ phải trải qua sự hoảng sợ, thậm chí trầm cảm, hoang mang khi bị bạo hành, nhiều người không thể vượt qua nỗi đau của BLGĐ. Đối với trẻ em, BLGĐ tạo nên vết đen tăm tối đối với tuổi thơ, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nhỏ.

Dân gian có câu “Im lặng là vàng” nhưng với những nạn nhân của BLGĐ, im lặng với cái xấu, với hành động sai trái trong ngôi nhà của mình chính là tác nhân cho vòng lặp nghiệt ngã BLGĐ ngày càng quay nhiều hơn. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 13/2022/QH15 đã được thi hành, chế tài xử lý người gây BLGĐ và cách thức bảo vệ nạn nhân cũng đã có đầy đủ. Vấn đề còn lại là hơn ai hết, chính nạn nhân phải lên tiếng để tự bảo vệ mình.

Trong quá trình tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tỷ lệ cán bộ, nhân dân biết đến Luật khá cao song người hiểu Luật, nhận diện được hành vi bạo lực gia đình lại thấp. Không nhận diện được hành vi thì không thể xử lý được. Bởi vậy, một trong những giải pháp làm cơ sở để xử lý hành vi bạo lực gia đình là trong công tác truyền thông, ngành văn hóa, thể thao và du lịch ở mỗi địa phương cần tham mưu chỉ đạo và hướng dẫn truyền thông để các đối tượng hiểu và nhận diện được hành vi nào là hành vi bạo lực gia đình, người gây ra hành vi bạo lực gia đình bị xử lý như thế nào bằng cách đưa ra các tình huống để mọi người trao đổi hoặc bằng các hình thức sân khấu hóa tình huống về bạo lực gia đình...
Thạc sĩ Hoa Hữu Vân
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình,
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch


(còn nữa)
Tú Anh