Chủ nhật, 24/11/2024, 02:41[GMT+7]

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tòa án

Thứ 2, 11/09/2023 | 09:53:47
5,936 lượt xem
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động chuyên môn, công tác quản lý của hệ thống tòa án, tỷ lệ xét xử, giải quyết các vụ việc và trình độ chuyên môn, chất lượng thẩm phán của tòa án nhân dân (TAND) hai cấp thời gian qua được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng xét xử các phiên tòa trực tuyến.

4 vụ án hình sự liên quan đến các tội danh mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy và trộm cắp tài sản vừa được TAND thành phố Thái Bình xét xử theo hình thức phiên tòa trực tuyến. Phiên tòa được tiến hành đúng thủ tục tố tụng, diễn ra thuận lợi, công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, tiết kiệm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, các yêu cầu về bảo đảm chất lượng hình ảnh và âm thanh, an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu theo quy định được các đơn vị thực hiện đầy đủ. 

Theo bà Nguyễn Thị Linh Nga, Chánh án TAND thành phố Thái Bình: Đây là một trong nhiều nỗ lực của đơn vị trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Cùng với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động cả về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý, điều hành cũng được TAND thành phố tích cực triển khai có hiệu quả thông qua việc sử dụng các phần mềm nội bộ dùng chung trong hệ thống tòa án để quản lý và thống kê, phần mềm trợ lý ảo... nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược chuyển đổi số, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động của TAND hai cấp.

Cùng với TAND thành phố Thái Bình, các đơn vị của ngành tòa án cũng tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động. Ông Phạm Văn Thịnh, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Việc ứng dụng CNTT trong công tác được TAND hai cấp trên địa bàn triển khai trên quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm cùng mục tiêu lấy hiệu lực, hiệu quả hoạt động và lợi ích của người dân, doanh nghiệp và xã hội làm thước đo để đánh giá kết quả. Thông qua đó, góp phần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức tòa án, quyết định đến sự thành công trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai xây dựng tòa án điện tử theo tinh thần cải cách tư pháp. Cùng với từng bước đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, TAND hai cấp đã quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức, phát động các phong trào thi đua khơi dậy sự sáng tạo, đổi mới phương thức làm việc bảo đảm hiệu quả. Các phần mềm nội bộ dùng chung trong hệ thống tòa án như: thống kê các loại án, công bố bản án, quản lý cán bộ công chức, số hóa hồ sơ, phần mềm trợ lý ảo thẩm phán... được TAND hai cấp triển khai ứng dụng đồng bộ, hiệu quả theo hướng dẫn của TAND tối cao. Nhờ ứng dụng CNTT, các bản án, hồ sơ được cập nhật, số hóa, sắp xếp lưu trữ dữ liệu có hệ thống, theo từng loại án, từng năm, phục vụ tốt hơn cho công tác khi có yêu cầu. Hệ thống phần mềm văn bản quản lý điều hành của TAND được sử dụng hiệu quả trong công tác nhận và gửi các văn bản, tài liệu giữa nội bộ ngành và giữa ngành với các cơ quan, đơn vị khác. Việc thống kê, tổng hợp được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp điện tử và số liệu được cập nhật thường xuyên, liên tục hàng tuần giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị chủ động nắm bắt tình hình thụ lý, tiến độ giải quyết các loại vụ việc, giám sát thực hiện thời hạn tố tụng của các thẩm phán, đánh giá chất lượng xét xử. Cùng với đó, Cổng thông tin điện tử của TAND tỉnh cũng tích hợp nhiều ứng dụng giúp người dân, cơ quan tổ chức tiện liên hệ công việc như: nộp đơn và tra cứu kết quả giải quyết đơn trực tuyến, đăng ký, cấp sao bản án trích lục, công bố các bản án, quyết định...

Từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2023, TAND hai cấp đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức 13 phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến, 33 phiên tòa xét xử trực tuyến kết nối từ điểm cầu trung tâm của tòa án đến các điểm cầu thành phần; đăng tải 2.461 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của TAND tỉnh tạo sự công khai, minh bạch trong hoạt động của tòa án. TAND tỉnh đã phối hợp với TAND cấp cao tại Hà Nội bố trí phòng xử án ứng dụng CNTT tổ chức 120 phiên tòa hành chính phúc thẩm trực tuyến yêu cầu hủy quyết định hành chính về bồi thường, giải phóng mặt bằng và ngừng thực hiện chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh chuyển đổi số các mặt hoạt động, TAND hai cấp tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Trịnh Cường