Chủ nhật, 24/11/2024, 01:59[GMT+7]

Quyết liệt ngăn chặn tình trạng lừa đảo trực tuyến

Thứ 3, 19/09/2023 | 09:46:59
3,936 lượt xem
Để ngăn chặn tình trạng lừa đảo trực tuyến gây nhức nhối trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm minh.

Thời gian vừa qua về tình trạng lừa đảo qua điện thoại, qua mạng xã hội đã diễn ra gây bức xúc cho xã hội, dư luận. Theo thống kê của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA), trong năm 2022 đã có hơn 300 triệu người dùng phản ánh bị lừa đảo trực tuyến (qua điện thoại, mạng xã hội, …).

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm minh.

Ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến trong năm 2022

Theo đó, Bộ đã phát động Chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến" từ ngày 23/6 - 23/7/2023. Chiến dịch được triển khai trên diện rộng, nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, các tip hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.

Chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng, đồng hành và phối hợp tích cực của đông đảo các cơ quan đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp trên khắp cả nước. Sự chung tay của các cơ quan báo chí, truyền thông, các nền tảng mạng xã hội, những người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (KOL) đã giúp phủ sóng thông tin rộng rãi trên không gian mạng. Nhờ vậy, sau 1 tháng triển khai chiến dịch, đã có hơn 980 triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau (TikTok, YouTube, Facebook…); Cốc Cốc đã tuyên truyền tới 29 triệu người dùng trình duyệt trên điện thoại và máy tính các nội dung, hình ảnh về phòng chống lừa đảo trực tuyến; hơn 40 đầu báo chia sẻ thông tin về chiến dịch với hơn 1.500 bài viết tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về cách nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến. Nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng các tuyến bài hoặc chuỗi phóng sự tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, nổi bật như Đài Truyền hình Việt Nam, Vietnamnet, VOV, VnExpress, ANTV…

Trong năm 2022, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hoá thông tin thuê bao, xử lý các trường hợp vi phạm, theo đó: trong tháng 7/2023, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xử lý hơn 11 triệu thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm:

+ Hơn 3,55 triệu thuê bao đã chuẩn hoá.

+ Hơn 7,5 triệu thuê bao đã bị khoá 1 chiều, 2 chiều, thu hồi.

Song song với đó, Bộ đã phát triển trang thông tin, xử lý tin nhắn SMS rác, lừa đảo (tại địa chỉ chongthurac.vn); phát triển trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn/canhbao.ncsc.gov.vn) để người dân có thể phản ánh các vấn đề gặp phải về an toàn thông tin; cung cấp bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kiến thức kỹ năng phòng chống lừa đảo (tại địa chỉ congcu.khonggianmang.vn); công bố danh sách đen các trang vi phạm, tài khoản ngân hàng lừa đảo thông qua Cổng thông tin của hệ sinh thái tín nhiệm mạng (tại địa chỉ tinnhiemmang.vn); kiểm tra, gán nhãn tín nhiệm cho hơn 3252 website chính thống; triển khai các chiến dịch phòng chống mã độc, làm sạch không gian mạng định kỳ hàng năm trên toàn quốc.

Các doanh nghiệp viễn thông, Internet cũng có những biện pháp và hoạt động nhằm ngăn chặn lừa đảo, như: ngân hàng, chứng khoán, ví điện tử, các tổ chức tài chính: Triển khai các thông báo cho khách hàng qua email, SMS. Liên tục thông báo các nguy cơ lừa đảo trực tuyến liên quan tới tổ chức cho cơ quan chức năng.

Bộ cũng thực hiện giải pháp hỗ trợ người dùng khi không muốn nhận quảng cáo thông qua việc đăng ký (miễn phí) tới Danh sách không quảng cáo: Người dân đăng ký từ chối nhận quảng cáo (thông qua cú pháp nhắn tin DK DNC gửi 5656 (miễn phí) nếu không có nhu cầu. Hiện nay, hệ thống có hơn 857 nghìn thuê bao đăng ký tại địa chỉ https://khongquangcao.ais.gov.vn.

Ngoài ra, các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, các doanh nghiệp viễn thông đã tổ chức sàng lọc, xác thực, chuyển hơn 30 nghìn phản ánh về các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến các đơn vị của Bộ Công an để phối hợp, điều tra xử lý.

Tuyên truyền cảnh báo rộng rãi đến người dân về phòng chống lừa đảo trực tuyến

Tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về các cuộc gọi lừa đảo. Chủ động theo dõi, thường xuyên cảnh báo tới người dân thông qua Cổng thông tin điện tử Chongthurac.vn về các hình thức, giả mạo, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua tin nhắn, cuộc gọi.

Thực thi quy định về quảng cáo chính danh (brandname) theo quy định tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ. Trong 7 tháng đầu năm đã cấp 2.344 tên định danh cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo bằng tin nhắn, gọi điện thoại.

Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, Instagram, YouTube…, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm không chỉ đối với các hành vi sai trái, cung cấp thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước mà còn xử lý các vi phạm lừa đảo, giả mạo tổ chức, cá nhân khác theo quy định tại khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Theo đó, kết quả ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin lừa đảo, giả mạo từ đầu năm đến nay:

+ Facebook đã gỡ bỏ 28 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; gỡ 54 page quảng cáo, mua bán hóa đơn trái phép.

+ Google chưa gỡ kênh giả mạo.

+ TikTok đã gỡ bỏ 1 tài khoản giả mạo.

Các giải pháp sẽ thực hiện trong thời gian tới

Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ đó rà soát, chuẩn hoá thông tin thuê bao; Triển khai các biện pháp (thông báo, nhắn tin, tổ chức làm việc với các thuê bao; rà soát, làm rõ mục đích sử dụng, tạm dừng dịch vụ) với mục tiêu trước ngày 30/8/2023 cơ bản xử lý xong, bảo đảm thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin của người sử dụng SIM đối với các thuê bao đang sở hữu, sử dụng ≥10 SIM/giấy tờ.

Chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông trên toàn quốc, các đơn vị tổ chức các đoàn thanh tra diện rộng về công tác quản lý thông tin thuê bao trong năm 2023 nhằm xử lý nghiêm các vi phạm của nhà mạng để tình trạng một thuê bao có nhiều SIM sai quy định và các đối tượng đã cố tình đăng ký nhiều SIM (lớn hơn 10, 100, 1000 SIM).

Đồng thời chỉ đạo các Nhà mạng chủ động theo dõi, kịp thời cảnh báo, tuyên truyền tới người dân các hình thức, dấu hiệu lừa đảo mới.

Ngoài ra để giải quyết lừa đảo trực tuyến cũng tương tự như lừa đảo trên đời thực, cần có sự tham gia phối hợp, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng công an làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm công nghệ cao. Trong thời gian tới, các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Công an để có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan.

Theo vtv.vn