Thứ 3, 23/07/2024, 15:12[GMT+7]

Hỏi đáp về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Thứ 2, 13/11/2023 | 09:04:06
3,906 lượt xem

Câu 9: Việc lựa chọn, chỉ định Hòa giải viên được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Việc lựa chọn, chỉ định Hòa giải viên được quy định tại Điều 17 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cụ thể:

- Mỗi vụ việc do 01 Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại.

- Người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và phải thông báo họ, tên, địa chỉ của Hòa giải viên cho Tòa án đó.

- Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì phải thông báo họ, tên, địa chỉ của Hòa giải viên cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc, Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc và Hòa giải viên được lựa chọn.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo lựa chọn Hòa giải viên, Hòa giải viên được lựa chọn phải có ý kiến bằng văn bản đồng ý hoặc không đồng ý gửi Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại nơi giải quyết vụ việc, Tòa án nơi mình làm việc và người khởi kiện, người yêu cầu.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo ý kiến đồng ý của Hòa giải viên, Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc phải có ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý với sự lựa chọn của Hòa giải viên gửi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Hòa giải viên; Hòa giải viên có trách nhiệm thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu biết.

Trường hợp nhận được ý kiến không đồng ý của Hòa giải viên, của Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc thì người khởi kiện, người yêu cầu có thể lựa chọn Hòa giải viên khác.

- Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại của Tòa án nơi giải quyết vụ việc chỉ định Hòa giải viên theo sự lựa chọn của người khởi kiện, người yêu cầu trong các trường hợp sau đây:

+ Khi người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và phải thông báo họ, tên, địa chỉ của Hòa giải viên cho Tòa án đó;

+ Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh khi được sự đồng ý của Hòa giải viên được lựa chọn và Tòa án nơi Hòa giải viên đó làm việc;

+ Các bên thay đổi Hòa giải viên đã được chỉ định và thỏa thuận lựa chọn Hòa giải viên khác;

- Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại của Tòa án nơi giải quyết vụ việc tự mình chỉ định Hòa giải viên trong các trường hợp sau đây:

+ Người khởi kiện, người yêu cầu không lựa chọn Hòa giải viên theo quy định;

+ Không có sự đồng ý của Hòa giải viên được lựa chọn, của Tòa án nơi Hòa giải viên đó làm việc.

Các bên thay đổi Hòa giải viên đã được chỉ định và thỏa thuận lựa chọn Hòa giải viên khác mà các bên không lựa chọn Hòa giải viên khác;

+ Hòa giải viên từ chối tiến hành hòa giải, đối thoại hoặc bị đề nghị thay đổi theo quy định nêu trên mà các bên không lựa chọn Hòa giải viên khác;

+ Người bị kiện đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định (Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên khác nếu người bị kiện đề nghị thay đổi Hòa giải viên);

- Việc chỉ định Hòa giải viên theo quy định nêu trên phải căn cứ vào tính chất của từng vụ việc; trường hợp vụ việc có liên quan đến người dưới 18 tuổi thì Thẩm phán chỉ định Hòa giải viên có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý của người dưới 18 tuổi.

Câu 10: Pháp luật quy định trường hợp nào từ chối hòa giải, đối thoại, thay đổi Hòa giải viên?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 18 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án về việc từ chối hòa giải, đối thoại, thay đổi Hòa giải viên như sau:

- Hòa giải viên phải từ chối khi được lựa chọn, chỉ định hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại;

+ Có căn cứ rõ ràng cho rằng Hòa giải viên có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ;

+ Các bên thay đổi Hòa giải viên đã được chỉ định và thỏa thuận lựa chọn Hòa giải viên khác;

+ Không thể tiến hành hòa giải, đối thoại vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

+ Bị miễn nhiệm hoặc bị buộc thôi làm Hòa giải viên theo quy định pháp luật.

- Hòa giải viên từ chối hòa giải, đối thoại trong các trường hợp là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại; có căn cứ rõ ràng cho rằng Hòa giải viên có thể không vô tư, khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ và không thể tiến hành hòa giải, đối thoại vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan phải thông báo lý do cho các bên, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc.

Các bên đề nghị thay đổi Hòa giải viên phải thông báo lý do cho Hòa giải viên, Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc.

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Hòa giải viên từ chối hòa giải, đối thoại hoặc bị đề nghị thay đổi mà các bên không thỏa thuận lựa chọn Hòa giải viên thì Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên khác để tiến hành hòa giải, đối thoại và thông báo cho Hòa giải viên, các bên biết.

Trường hợp các bên lựa chọn Hòa giải viên khác thì Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại chỉ định Hòa giải viên theo sự lựa chọn của các bên và thông báo cho Hòa giải viên, các bên biết.

Trường hợp Thẩm phán chỉ định Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác thì phải thông báo cho Tòa án đó biết.

Lê Thủy
(Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp)

còn nữa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày