Chủ nhật, 05/01/2025, 10:47[GMT+7]

Đấu tranh ngăn chặn tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc - trách nhiệm không của riêng ai

Chủ nhật, 07/01/2024 | 20:57:50
3,896 lượt xem
Những năm qua, tình hình tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc diễn biến hết sức phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy và là nguyên nhân phát sinh nhiều loại tội phạm khác.

Ảnh minh họa.

Cờ bạc là hoạt động xã hội có từ rất sớm. Các nghiên cứu về văn hóa dân gian đều khẳng định: cờ bạc ở nước ta vốn là một hoạt động giải trí của cư dân vào dịp nông nhàn hoặc những ngày lễ tết. Từ đó mới có câu truyền ngôn “Tháng giêng là tháng ăn chơi/Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”.

Nhưng những trò giải trí như trên dần dần bị biến tướng về sự ảo tưởng kiếm tiền dựa vào sự may - rủi, không mất nhiều mồ hôi công sức. Chính vì vậy, cờ bạc là loại trò chơi rất dễ gây nghiện. Khi được thì vui vẻ thích thú vì có nhiều tiền để ngày mai chơi tiếp được nhiều tiền hơn. Khi thua thì bực tức cay cú muốn gỡ lại, sẵn sàng “vay nóng” để chơi tiếp dẫn đến nợ nần chồng chất, phải bán ruộng vườn, tài sản, nhà cửa để trả nợ. Bản thân con bạc vướng vào vòng lao lý. Vì vậy, trong ca dao, tục ngữ Việt Nam mới có câu “Cờ bạc là bác thằng bần/Cửa nhà bán hết, tra chân vào cùm”.

Để ngăn chạn tệ nạn cờ bạc, các triều đại phong kiến nước ta đã ban bố nhiều luật lệ, chế tài xử lý, răn đe rất nghiêm khắc. Dưới triều nhà Lê, đời vua Lê Thánh Tông ban hành Quốc triều hình luật (luật Hồng Đức), chương Vi chế, Điều 188 quy định: “Ai tụ tập đánh bạc bị đánh 70 trượng, có quan chức biếm ba tư (hạ ba cấp), phạt ba quan tiền thưởng cho kẻ tố cáo. Người đứng đầu hay tái phạm bị tăng một bậc tội... Tiền trong sòng bạc ăn thua và văn tự mua bán để đánh bạc đều nhập công khố”. Điều 189 quy định: “Đánh cờ ăn tiền cũng bị xử tội”. Triều Nguyễn, đời vua Gia Long ban hành Bộ luật Hoàng Việt luật lệ, Điều 343 quy định: “Phàm kẻ nào đánh bạc ăn tiền đều bị phạt 80 trượng; những tiền, của, đồ vật bắt được tại sòng bạc ấy đều đem sung công. Người đứng ra mở chiếu bạc ấy (tuy không dự vào hạng người đánh bạc) cũng bị xử cùng một tội y như là người đánh bạc, chỗ nhà chứa bạc ấy cũng bị đem sung công... Nếu quan chức mà phạm tội đánh bạc thì bị xử gia nặng thêm một bậc”.

Mặc dù bị xử phạt nghiêm khắc, trong đó có những hình phạt rất dã man như chỉ dụ của vua Lê Thái Tổ “đánh bạc thì chặt năm ngón tay, đánh cờ (ăn tiền) thì chặt một phân ngón tay” nhưng việc đánh bạc và tổ chức đánh bạc vẫn tồn tại trong xã hội, trong đó có cả quan chức, kể cả quan chức trong nội triều tham gia.

Trước đây, đánh bạc là chơi tổ tôm, xóc đĩa, đánh chắn... với số tiền không lớn và môi trường chủ yếu diễn ra trên chiếu bạc, sới bạc. Ngày nay, đánh bạc còn núp dưới hình thức: cá độ bóng đá, đua ngựa, chọi gà, lô đề, game bài... với số tiền cực lớn, được thực hiện trên môi trường mạng và không chỉ diễn ra trong không gian một làng, một lễ hội mà rất nhiều vụ đánh bạc liên huyện, liên tỉnh; một số vụ đánh bạc xuyên quốc gia. Số lượng người tham gia đánh bạc, nhất là người trẻ tuổi ngày càng đông, được tổ chức chặt chẽ với nhiều thủ đoạn rất tinh vi, rất khó phát hiện, đấu tranh triệt xóa.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động, đấu tranh phòng ngừa, xử phạt hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc được triển khai đồng bộ và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, hoạt động đánh bạc, tổ chức đánh bạc vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều vụ có đông người, trong đó cá biệt có cả cán bộ, công chức tham gia. Đặc biệt, lợi dụng không gian mạng, các đối tượng cầm đầu ở nước ngoài câu kết với người Việt Nam hình thành đường dây tổ chức đánh bạc trên diện rộng, xuyên biên giới, có vụ có tới hàng trăm nghìn người tham gia, gây hậu quả xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc, ngày 27/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg, yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời đề nghị các cơ quan tư pháp; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân về tác hại của hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc đối với an ninh trật tự và kinh tế gia đình. Đồng thời, chủ động phát hiện, tổ chức các đợt tấn công truy quét triệt xóa, xử lý nghiêm ổ nhóm tổ chức đánh bạc và đánh bạc, làm trong sạch địa bàn.

Dịp cuối năm và mùa lễ hội xuân là thời điểm các phần tử xấu thường lợi dụng tổ chức hoạt động đánh bạc. Thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, gắn với tiếp tục thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống các loại tội phạm. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên nói không với cờ bạc. Đồng thời, không để vợ, chồng, con, người thân bị lôi kéo phạm tội và các tệ nạn xã hội.

Vẫn biết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc là việc làm rất khó nhưng không phải là bất khả thi. Nếu tất cả các địa phương, cơ quan, tổ chức, từng người dân và cả cộng đồng cùng hành động, cùng một tiếng nói thì cho dù là việc khó cũng nhất định thành công. Vì ngăn chặn hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc - trách nhiệm không của riêng ai.

Nguyễn Văn Hán
(CCB thành phố Thái Bình)