Thứ 7, 12/10/2024, 16:10[GMT+7]

Cảnh giác với thủ đoạn “giả danh nhân viên giao hàng” chiếm đoạt tài sản người mua hàng

Thứ 6, 11/10/2024 | 15:26:00
789 lượt xem
Những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống, đặc biệt là trong thói quen mua sắm của người dân. Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, dịch vụ giao, nhận hàng tại nhà đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để các hình thức thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện. Theo đó, các đối tượng sử dụng thủ đoạn giả làm shipper của các công ty vận chuyển uy tín để gọi điện thoại cho nạn nhân, thông báo có đơn hàng cần giao và yêu cầu chuyển khoản để thanh toán khi nhận hàng.

Người dân cần cảnh giác với thủ đoạn giả danh nhân viên giao hàng (shipper) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng lừa đảo thu thập thông tin khách hàng thông qua nhiều phương thức như: Thông tin liên hệ và mặt hàng đặt mua của khách hàng từ các bình luận hoặc tin nhắn đặt mua công khai trên livestream; tiến hành thu thập thông tin người đặt hàng từ các phần mềm, trang thương mại điện tử... Khi thu thập được thông tin cá nhân và đơn hàng, đối tượng lừa đảo sẽ chọn thời điểm khách hàng không có mặt tại nhà ( thường vào giờ hành chính) để gọi điện thoại, giả danh là nhân viên giao hàng đơn vị bán hàng mà khách đã mua sản phẩm. Sau đó, nếu khách hàng cho biết không có mặt tại nhà, đối tượng sẽ nói để hàng trong sân nhà, gửi hàng xóm hoặc người quen… và yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán đơn hàng. Thậm chí, chúng thường dùng thủ đoạn tạo áp lực, thúc ép người nhận bằng cách thông báo đơn hàng sẽ bị hủy nếu không chuyển khoản ngay hoặc đưa ra những lời hứa hẹn hấp dẫn để dụ dỗ nạn nhân.

Nội dung đối tượng trao đổi với nạn nhân.

Sau khi nhận được tiền thanh toán mua hàng, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc với khách hàng nếu đó là món hàng trị giá cao. Còn nếu giá trị thấp, các đối tượng sẽ thông báo có sự nhầm lẫn, số tài khoản trên là số tài khoản đăng ký làm hội viên shipper, khi chuyển tiền đến số tài khoản đó thì hệ thống sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của khách hàng. Khi nạn nhân có yêu cầu muốn lấy lại tiền và hủy đăng ký thành viên thì đối tượng sẽ gửi tin nhắn chứa đường link dẫn đến trang web giả mạo của đơn vị giao hàng để yêu cầu nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, mã OTP. Khi người dân bấm vào đường liên kết giả mạo và nhập các thông tin cá nhân thì sẽ có nguy cơ điện thoại bị nhiễm mã độc, bị chiếm đoạt thông tin cá nhân quan trọng và mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử....

Trước tình hình trên, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi tham gia mua hàng trực tuyến. Chỉ chuyển tiền khi đã trực tiếp nhận, kiểm tra hàng trước khi thanh toán, không nên chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc những tài khoản không rõ ràng. Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ, không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, lịch trình vận chuyển, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi lịch trình của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng. Đồng thời, cần bảo mật, hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân, địa chỉ và số điện thoại công khai trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các buổi livestream. Khi nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho Cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ giải quyết./.

Theo congan.thaibinh.gov.vn