Thứ 2, 19/05/2025, 11:18[GMT+7]

Kiên quyết xử lý vi phạm đất đai, xây dựng công trình trái phép

Thứ 2, 19/05/2025 | 08:58:09
173 lượt xem
Thời gian qua, lợi dụng quá trình sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã cố tình lấn chiếm đất đai, tự ý xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Những hành vi này không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự và làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp.

Sau khi UBND xã lập biên bản, anh Đào Văn Quyền tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Phong Dương Tiến (Đông Hưng).

Ngăn chặn các hành vi vi phạm từ sớm, từ xa 

Tại xã Phong Dương Tiến (Đông Hưng), anh Đào Văn Quyền đã tự ý xây dựng nhà ở trái phép trên diện tích 155m2 đất nuôi trồng thủy sản trong tổng số hơn 1.150m2 đất canh tác của gia đình. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, đất nông nghiệp chỉ được phép sử dụng cho mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc làm muối. 

Việc xây dựng công trình kiên cố trên loại đất này mà không có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ngay khi phát hiện công trình vi phạm vào tối ngày 6/5/2025 khi phần móng nhà gần hoàn thiện, UBND xã Phong Dương Tiến đã lập biên bản, tuyên truyền, vận động và yêu cầu gia đình tự tháo dỡ. 

Anh Đào Văn Quyền cho biết: Sau khi được UBND xã tuyên truyền, gia đình cũng đã nhận thức được sai phạm của mình và tự tháo dỡ công trình, khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng mặt bằng như cũ. 

Ông Quách Văn Trìu, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Dương Tiến cho biết: Ngay sau sáp nhập xã, UBND xã đã thành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai. Với tinh thần kiên quyết, UBND xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp với kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao nhận thức, ngăn chặn các hành vi vi phạm từ sớm, từ xa. 

Tại xã Phúc Thành (Vũ Thư), ông Nguyễn Trọng Cẩm bị chính quyền địa phương phát hiện xây dựng nhà xưởng kiên cố trên diện tích 200m2 đất nuôi trồng thủy sản. Dù đã tự tháo dỡ sau khi bị lập biên bản vào ngày 17/3/2025 nhưng ông Cẩm tiếp tục tái phạm vào ngày 7/4/2025 với hành vi dựng lại công trình vi phạm tại đúng vị trí cũ. Anh Dương Đức Huy, công chức địa chính xã Phúc Thành cho biết: Việc vi phạm kéo dài qua nhiều năm, thậm chí từ thế hệ trước để lại khiến công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, địa phương kiên quyết không dung túng, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để xử lý dứt điểm.

Một trường hợp khác là ông Trần Ngọc Tiến, trú tại Hà Nội thuê hơn 64.000m2 đất nông nghiệp tại xã Tự Tân (Vũ Thư). Ông Tiến đã tự ý cơi nới, xây dựng công trình hai tầng trên nền một lò vôi cũ không còn công năng, đồng thời đào móng, cải tạo mặt bằng sát chân đê và chặt phá hàng tre chắn sóng, vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ hành lang đê điều. UBND huyện Vũ Thư đã chỉ đạo quyết liệt xử lý vụ việc này, yêu cầu xã Tự Tân tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng thuê đất nếu ông Tiến không chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm đúng hạn. Ông Phạm Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tự Tân cho biết: Chúng tôi đã nhiều lần vận động, tuyên truyền và đôn đốc tháo dỡ. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý quyết liệt vi phạm, lập lại trật tự kỷ cương và bảo đảm an toàn đê điều và an ninh khu vực. 

Kiên quyết lập lại trật tự quản lý đất đai 

Tình trạng vi phạm về đất đai, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp gia tăng thời gian qua trên địa bàn tỉnh phần nào cho thấy sự buông lỏng trong quản lý đất đai ở cấp xã, nhất là trong thời điểm các địa phương tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, ngày 6/5/2025, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính. Trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị giữ ổn định tình hình và bảo đảm hiệu quả quản lý đất đai trong suốt quá trình sắp xếp đơn vị hành chính; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng gián đoạn, buông lỏng quản lý; đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, lợi dụng thông tin về sáp nhập để trục lợi cá nhân. Đối với UBND các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đô thị và trật tự xây dựng; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Phải có biện pháp kịp thời, kiên quyết ngăn chặn và xử lý vi phạm; khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn; phân công cán bộ theo dõi địa bàn để nắm tình hình, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm ngay khi phát sinh vi phạm, không để tồn đọng, kéo dài hoặc phát sinh vi phạm mới. Kiên quyết không để hình thành các công trình, khu dân cư trái phép trên đất nông nghiệp, đất hành lang thủy lợi, bảo vệ đê điều, bãi sông; không hợp thức hóa vi phạm mà buộc phải khôi phục nguyên trạng ban đầu. 

Sau khi có chỉ thị của UBND tỉnh, các huyện, thành phố trong toàn tỉnh đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp mạnh. Đơn cử, tại huyện Tiền Hải, hơn 500 cán bộ các cấp đã được huy động cưỡng chế thu hồi hơn 60ha đất đầm vi phạm tại khu vực Cồn Vành (xã Nam Phú). Ông Bùi Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Ban cưỡng chế chia thành 4 tổ, phối hợp chặt chẽ, kiên quyết tháo dỡ công trình vi phạm và xử lý triệt để các đối tượng không tự nguyện chấp hành. Tương tự, huyện Đông Hưng và Vũ Thư cũng đã thành lập các tổ công tác chuyên trách, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm vi phạm. Theo ông Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng: UBND huyện đã thành lập 7 tổ công tác lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra đôn đốc các vi phạm về đất đai. Quan điểm chỉ đạo là vi phạm ở đâu thì ngăn chặn ngay từ bước đầu, không để tái diễn. Ông Trần Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vũ Thư cho biết: Để ngăn chặn các vi phạm về đất đai, Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn cùng với chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân thì tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát phát hiện vi phạm, kiên quyết ngăn chặn và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó sẽ xử lý và xem xét trách nhiệm của người đứng đầu ở những địa phương để xảy ra vi phạm đất đai, xây dựng công trình trái phép trên địa bàn hoặc xử lý vi phạm không kịp thời, quyết liệt. 

Ông Nguyễn Duy Chinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường khẳng định: Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tăng cường thanh tra, hướng dẫn xử lý vi phạm đúng quy định, đưa công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp, nhất là trong giai đoạn sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.

Việc lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích và xây dựng công trình trái phép không chỉ gây mất trật tự xã hội, thất thoát ngân sách nhà nước mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường và sự phát triển bền vững. Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thì cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ pháp luật. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường kỷ cương, nâng cao năng lực quản lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa lâu dài.

Nhóm phóng viên