Thứ 5, 24/04/2025, 10:32[GMT+7]

Đừng để tín ngưỡng thành cuồng tín

Thứ 6, 03/12/2010 | 13:48:19
3,111 lượt xem
Chuông điện thoại reo vang, tôi nhìn dẫy số hiển thị trên màn hình, biết ngay là em trai, con ông chú ruột tôi gọi về. Tiếng em tôi nói khá rành rọt: “ Anh ơi! Hôm qua em tới điện thờ nhà cô Thảo ở Cầu N, nhờ cô mời bố em về để bố con gặp nhau cho đỡ nhớ!

Ảnh minh họa, nguồn internet.

Vừa gặp, bố em đã bảo: Hôm nay có cả bà Ngải, bà Xuyềnh và một bà cô nữa, bố mời mãi bà mới về… Bố em nói nhỏ vào tai em: Bà cô này khó tính lắm… Bố em vừa mới nói đến đó thì bà cô cướp lời, mắng em té tát: Tao tên là Sinh, là Cụ Cô của mày, tao là bề trên của ông nội mày, ngang hàng với người mà mày gọi là cụ nội…

 

Tao lúc nào cũng phù hộ độ trì cho chúng mày, vậy mà chả bao giờ chúng mày thắp cho tao một nén hương, chả bao giờ chúng mày cúng giỗ tao cả. Hôm kia, giỗ bố mày, tao cũng về nhưng chẳng đứa nào nhìn ngó đến tao. Tao giận lắm! Mới rồi, tao phạt mày, để cho chúng nó lấy đi của mày bằng ấy tiền, phạt thế là còn nhẹ đấy. Thôi, đến ngày giỗ tao, mày cứ lo liệu chu đáo, tao sẽ lấy lại những gì đã mất cho mày, có khi còn hơn ngần ấy cơ.

 

Em hỏi xen ngang: Con tìm trong gia phả, không thấy các cụ ghi tên Cụ Cô, Cụ Cô cho con biết ngày giỗ của Cụ Cô… Cụ Cô nói ngay: 20 tháng 10… A, không được, 20 tháng 10 là ngày xấu, giỗ tao phải vào ngày 20 tháng 6. Hiện nay tao đang nghèo đói và rét lắm, chúng mày chu cấp cho tao mọi thứ rồi tao sẽ phù hộ độ trì cho. Thôi, tao đi đây!”

 

Nghe em tôi nói vậy, tôi suy đoán ngay: Đây hẳn là một cú lừa ngoạn mục.

Tra trong gia phả của cả họ, ở hàng cụ nội tôi, không thấy các bậc tiền nhân ghi tên ai là Sinh.Theo lệ cổ: Các gia đình chỉ cúng các cụ sinh ra ông nội mình, còn những người là anh, chị, em cùng hàng với cụ nội mình cụ nào đẻ ra ông nội nhà nào thì gia đình đó cúng .

 

Nếu các cụ không có con, cháu thì trưởng chi họ cúng tại từ đường, hoặc cao hơn ( thuộc hàng ngũ đại ) thì thờ cúng chung trong nhà thờ họ. Làm sao chúng tôi có quyền cúng anh, chị , em của cụ nội khi vị trưởng chi họ còn đó? Việc bỏ sót tên một người nào đó trong gia phả, không phải lỗi của lớp hậu duệ thứ 10 như chúng tôi. Lỗi đó thuộc về lớp người làm gia phả từ đời thứ ba, thứ tư, thứ năm mới đúng.

 

Cha ông chúng tôi có làm lại gia phả thì cũng  chỉ là sao chép thành nhiều bản để tránh thất lạc. Làm sao các cụ dám viết thêm tên người ở hàng trên các cụ? Đến chúng tôi có làm lại gia phả vẫn phải tuân theo nguyên bản mà các vị tiền nhân để lại, không được phép thêm, bớt tên tuổi lớp người ở bậc trên đời mình. Có chăng chúng tôi chỉ bổ sung những người thuộc đời kế tiếp và chỉnh trang để dễ xem, dễ nhận diện. Không ai được phép  bóp méo sự thật, dù người đó có quyền uy pháp thuật tối linh!

 

Vậy thì Cụ Cô ( Người tự xưng tên là Sinh, thuộc hàng ngang với cụ nội tôi) có lí gì lại đi bắt tội đứa cháu cách cụ những 4-5 đời? Bốn năm đời tức là cách ngày nay 100-120 năm. Hơn nữa: Cụ Sinh chưa hề được các bậc tiền nhân của họ tôi ghi tên trong gia phả. Chẳng lẽ các cụ : Khi làm gia phả lại cố tình quên một người thân thiết của gia đình mình? Nếu các cụ có quên thì Cụ Cô phải phạt các cụ đó mới thấu lí đạt tình. Con cháu có tội tình gì mà các cụ phạt? 

 

Từ cổ chí kim , các cụ đều nhớ câu : “ Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Không bao giờ có chuyện Tổ tiên, cụ kị , ông, bà, cha , mẹ lại nỡ trừng trị cháu con : điều đó trái đạo lí làm người , các cụ nhà ta không bao giờ làm điều đó. Đôi vợ chồng chủ trại cá hành hạ cháu Hào Anh, mụ bảo mẫu Trần Thị Phụng ở Bình Dương lấy chuyện tắm để hành hạ cháu Kim Ngân 3 tuổi vì : Lũ đó không phải là người và các cháu Hào Anh, Kim Ngân chỉ là những đứa trẻ không phải con cháu chúng.

 

Nếu Cụ Cô đích thực là người thân thiết ruột thịt của gia đình ta thì không bao giờ Cụ Cô làm điều trái nhân tâm, đạo đức đó! Cụ Cô bảo: Chúng mày không cúng giỗ tao…Điều này vô lí lắm! Trong bảng nhật kị mà cha ông ta truyền lại, không có tên và ngày giỗ Cụ Cô. Bản thân Cụ Cô cũng không biết ngày giỗ của mình, lúc thì 20/10, sau đó lại bảo ngày đó xấu, chuyển sang 20/6(?)

 

Xưa nay có ai tự chọn ngày đẹp để làm ngày giỗ của mình không nhỉ? Nếu du di vài ba bốn ngày thì còn có thể chấp nhận được, đằng này: chênh nhau 4 tháng chứ có ít ỏi gì đâu? Câu cuối cùng cụ Cô nói rằng: “Tao đang nghèo đói lắm…” Cái đuôi của cú lừa đã rõ. Những câu nói này chắc chắn là của ông đồng bà cốt! Khi thấy tín chủ đã tín ngưỡng đến mê muội, đến cuồng tín thì kẻ buôn thần bán thánh bắt đầu moi tiền.

 

Những người có học, hiểu sâu, biết rộng, không bao giờ sa đà vào cõi mê cuồng tín để tiền mất tật mang. Tín ngưỡng là quyền tự do của mỗi cá nhân, trước mỗi vấn đề có liên quan đến cá nhân , gia đình, đất nước mình thì phải tỉnh táo, suy trước, nghĩ sau, sao cho thấu tình, đạt lí! Kiên quyết không để bọn buôn thần bán thánh lừa bịp, móc tiền trong túi mình.

 

Các cơ quan có thẩm quyền cần kiên quyết hơn để dẹp bỏ tình trạng mê tín dị đoan, trừng trị thích đáng những kẻ buôn thần bán thánh.

Cao Bá Khoát

Tự Tân - Vũ Thư - Thái Bình

  • Từ khóa