Những điểm mới của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24/11/2014, gồm 6 chương, 101 điều, được xác định là sửa đổi căn bản, toàn diện về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2015, riêng một số điều có hiệu lực thi hành sớm hơn, từ ngày 1/2/2015. Luật tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, chức năng thực hành quyền công tố (THQCT) và kiểm sát hoạt động tư pháp (KSHĐTP), đồng thời mở rộng một số quyền năng, bổ sung một số quy định để VKSND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp năm 2013 là: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân…”. Để nhân dân và các cơ quan, tổ chức hiểu rõ hơn và thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật, đồng thời tạo điều kiện để ngành Kiểm sát Thái Bình thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổng hợp và giới thiệu một số nội dung mới cơ bản của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 như sau:
1. Viện kiểm sát nhân dân - thiết chế Hiến định trong bộ máy nhà nước:
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 khẳng định rõ hơn vị trí của VKSND là thiết chế Hiến định trong bộ máy nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; quy định rõ phạm vi, nội dung, mục đích, thẩm quyền của từng chức năng THQCT, chức năng KSHĐTP; quy định VKSND THQCT trong các giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, trong tương trợ tư pháp về hình sự. Chức năng THQCT của VKS được thực hiện từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Đối với chức năng KSHĐTP, Luật đã bổ sung các quy định về kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, kiểm sát trong giai đoạn truy tố, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp.
Bên cạnh đó, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 còn làm rõ nội dung các lĩnh vực công tác và bổ sung quy định về các công tác phục vụ thực hiện chức năng của VKSND; phân định lại một cách rõ ràng, hợp lý, cụ thể các công tác thực hiện chức năng gồm: THQCT, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; THQCT và kiểm sát điều tra vụ án hình sự; THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố; THQCT và kiểm sát xét xử vụ án hình sự; công tác điều tra của cơ quan điều tra VKSND; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; THQCT và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp. Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong từng khâu công tác. Bổ sung quy định và phân biệt rõ các công tác phục vụ thực hiện chức năng, gồm: thống kê tội phạm; nghiên cứu khoa học; xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng; hợp tác quốc tế; phổ biến, giáo dục pháp luật.
2. Mở rộng thẩm quyền của cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân:
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã mở rộng thẩm quyền của cơ quan điều tra VKSND cả về loại tội và chủ thể thực hiện tội phạm. Theo Luật hiện hành, cơ quan điều tra VKSND tối cao, cơ quan điều tra VKS quân sự trung ương chỉ điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp. Theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, cơ quan điều tra VKSND tối cao, cơ quan điều tra VKS quân sự trung ương không chỉ điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà còn điều tra các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án, VKS, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
3. Phân định rõ các trường hợp Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị hoặc kiến nghị:
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 quy định quyền kháng nghị, kiến nghị của VKS nhưng chưa phân định rõ trong trường hợp nào thì VKS kháng nghị, trường hợp nào thì VKS kiến nghị. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định rõ: VKS thực hiện quyền kháng nghị trong trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thực hiện quyền kiến nghị trong trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng hoặc khi phát hiện cơ quan, tổ chức hữu quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết, trả lời kháng nghị, kiến nghị của VKSND, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả khi VKSND thực hiện các quyền này trên thực tế.
4. Làm rõ hơn nội dung nguyên tắc “tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành” và làm rõ nội dung “khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân” theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013:
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã làm rõ mối quan hệ giữa Viện trưởng VKSND cấp trên với Viện trưởng VKSND cấp dưới và ngược lại thông qua các quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSND các cấp. Đồng thời, làm rõ thêm quy định của Hiến pháp: “Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân” như sau: Kiểm sát viên (KSV) phải chấp hành quyết định của Viện trưởng VKS. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì KSV có quyền từ chối nhiệm vụ được giao và phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với Viện trưởng; trường hợp Viện trưởng vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và KSV phải chấp hành nhưng không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo lên Viện trưởng VKS cấp trên có thẩm quyền. Viện trưởng đã quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
5. Về tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân:
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định VKS có 4 cấp, gồm: VKSND tối cao; VKSND cấp cao; VKSND cấp tỉnh; VKSND cấp huyện, trong đó VKSND cấp cao là cấp kiểm sát mới, có nhiệm vụ THQCT, KSHĐTP đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân (TAND) cấp cao. Cụ thể: VKSND cấp cao THQCT, kiểm sát xét xử phúc thẩm, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND cấp cao: THQCT, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh đã có kháng cáo, kháng nghị mà chưa được giải quyết; THQCT, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh đã có kháng nghị mà chưa được giải quyết. Giải quyết kiến nghị đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh được VKSND cấp tỉnh, VKSND tối cao thụ lý mà chưa được giải quyết. Viện trưởng VKSND cấp cao có thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh; kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh trong phạm vi lãnh thổ thuộc thẩm quyền. Cơ cấu tổ chức của VKSND cấp cao gồm có ủy ban kiểm sát, văn phòng, các viện và đơn vị tương đương.
Đối với VKSND cấp huyện, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định giữ nguyên tổ chức bộ máy như hiện nay (theo địa hạt hành chính), không tổ chức thành VKS khu vực. Cơ cấu tổ chức của VKSND cấp huyện gồm có văn phòng và các phòng; những nơi chưa đủ điều kiện thành lập phòng thì tổ chức các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc.
6. Về ủy ban kiểm sát:
Theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, ủy ban kiểm sát (UBKS) được tổ chức ở VKSND tối cao, VKSND cấp tỉnh, VKS quân sự trung ương, VKS quân sự quân khu và tương đương. Theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, UBKS được thành lập thêm ở VKSND cấp cao. Như vậy, theo Luật hiện hành và Luật mới thì ở VKSND cấp huyện, VKS quân sự khu vực không tổ chức UBKS.
Về vị trí, vai trò, thẩm quyền của UBKS: Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 tiếp tục quy định UBKS có quyền quyết định những vấn đề quan trọng về tổ chức và hoạt động của VKSND. Riêng đối với các vụ án, vụ việc, UBKS chỉ có vai trò tư vấn theo đề nghị của Viện trưởng. Luật năm 2014 còn bổ sung thẩm quyền cho UBKS xét tuyển người có đủ điều kiện dự thi vào các ngạch KSV, đồng thời cũng quy định rõ khi quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền, UBKS phải ban hành nghị quyết (Luật hiện hành - 2002 không quy định vấn đề này).
7. Về kiểm sát viên và kiểm tra viên:
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định có 4 ngạch KSV gồm: KSV VKSND tối cao, KSV cao cấp, KSV trung cấp, KSV sơ cấp. Tiêu chuẩn bổ nhiệm KSV cao cấp tương ứng với tiêu chuẩn bổ nhiệm KSV VKSND tối cao hiện nay và nâng cao tiêu chuẩn bổ nhiệm KSV VKSND tối cao. Về số lượng KSV VKSND tối cao, Luật năm 2014 quy định không quá 19 người. Về nhiệm kỳ KSV, Luật năm 2014 quy định KSV được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 5 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm.
Về cơ chế tuyển chọn KSV, Luật năm 2014 quy định: Áp dụng hình thức thi tuyển vào các ngạch KSV sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Hội đồng thi được tổ chức ở VKSND tối cao, do Viện trưởng VKSND tối cao làm Chủ tịch, các ủy viên gồm đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan. Không áp dụng hình thức thi tuyển vào ngạch đối với KSV VKSND tối cao.
Về kiểm tra viên (KTV), Luật hiện hành không quy định về KTV; Luật năm 2014 quy định KTV là chức danh tư pháp, được bổ nhiệm để giúp KSV THQCT, KSHĐTP và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng. KTV có 3 ngạch như hiện nay (KTV, KTV chính, KTV cao cấp). Tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch KTV do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.
8. Về các chế độ bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân:
Luật hiện hành chỉ quy định chung về chế độ tiền lương, phụ cấp, giấy chứng minh, trang phục. Luật năm 2014 đã bổ sung các quy định: KSV, điều tra viên, KTV có thang, bậc lương riêng, chế độ phụ cấp đặc thù và phụ cấp khác; quy định chính sách khuyến khích, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành Kiểm sát nhân dân; bảo đảm kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức của VKSND là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm, tạo cơ sở pháp lý để Viện trưởng VKSND tối cao ban hành các hình thức khen thưởng đặc thù của ngành Kiểm sát.
9. Về cơ chế kiểm soát, giám sát đối với Viện kiểm sát nhân dân:
Luật hiện hành chỉ quy định về giám sát của Quốc hội, HĐND đối với VKSND. Luật năm 2014 ngoài quy định giám sát của Quốc hội, HĐND còn quy định cơ chế kiểm soát trở lại của cơ quan điều tra, tòa án, cơ quan thi hành án và các cơ quan khác có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp đối với việc thực hiện chức năng THQCT, KSHĐTP của VKSND. Đây là việc thể chế hóa tư tưởng kiểm soát quyền lực trong Hiến pháp năm 2013; quy định rõ các thiết chế giám sát bằng hình thức dân chủ đại diện gồm có Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, đại biểu HĐND; quy định cơ chế giám sát thông qua dân chủ trực tiếp và các tổ chức chính trị - xã hội.
Phạm Viết Vượng
(Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh)
Tin cùng chuyên mục
- Bắt giữ đối tượng dùng dao đâm người khác dẫn đến tử vong 03.05.2025 | 09:56 AM
- Xử phạt 1 cơ sở kinh doanh cắt tóc, làm đầu tự ý khám chữa bệnh 17.12.2024 | 18:36 PM
- Công an huyện Thái Thụy: Bắt khẩn cấp đối tượng cướp tài sản 11.12.2024 | 17:13 PM
- Thành phố: 250 hội viên phụ nữ được tuyên truyền, phổ biến pháp luật 04.11.2024 | 15:02 PM
- Tiêu hủy hàng vạn sản phẩm là hàng lậu, hàng giả 02.10.2024 | 15:45 PM
- Khảo sát tình hình triển khai, thi hành Luật Khoáng sản 18.09.2024 | 18:55 PM
- Bắt giữ tàu khai thác cát trái phép trên sông Hóa 30.08.2024 | 15:32 PM
- Công an huyện Hưng Hà bắt giữ đối tượng trộm cắp tài sản chuyên nghiệp 13.08.2024 | 15:36 PM
- Công an huyện Vũ Thư xử phạt trường hợp vi phạm giao thông từ hình ảnh người dân cung cấp 06.08.2024 | 13:59 PM
- Công an huyện Đông Hưng: Đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy 24.06.2024 | 20:52 PM
Xem tin theo ngày
-
Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội
- Đối thoại với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh
- Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình
- Khởi công dự án tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình và dự án khu công nghiệp Hưng Phú
- Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: Động lực mới cho phát triển kinh tế
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Cả nước đã hỗ trợ xóa gần 209.000 nhà tạm, nhà dột nát
- Dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn