Thứ 6, 02/08/2024, 07:13[GMT+7]

Thực hiện nghiêm pháp luật về an toàn thông tin mạng

Thứ 6, 20/11/2015 | 09:20:06
964 lượt xem
Những công cụ và sự kết nối của thời đại kỹ thuật số đã góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của con người, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo khả năng đi tắt đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Muốn làm được như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển công chức tỉnh năm 2014 làm bài thi trắc nghiệm trên máy vi tính.

"Thời gian qua, hành lang pháp lý về an toàn thông tin còn thiếu, không đồng bộ và chưa theo kịp sự bùng nổ thông tin hiện nay. Hơn nữa, chúng ta cũng chưa có một văn bản ở tầm luật để điều chỉnh toàn diện hoạt động an toàn thông tin mạng, bảo đảm môi trường mạng an toàn, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, trước khi Quốc hội ban hành Luật An toàn thông tin, các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật đã có về an toàn thông tin mạng" - đó là đề nghị của đồng chí Phạm Xuân Thường, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sau cuộc khảo sát tại một số cơ quan, đơn vị về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thông tin. Đồng chí cho rằng, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giúp các cấp, các ngành thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giúp người dân nắm bắt thông tin nhanh chóng, thuận tiện.

Toàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cố định mặt đất là Viễn thông Thái Bình và Chi nhánh Viettel Thái Bình; 5 mạng điện thoại di động; 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet; 65 điểm chuyển mạch với bán kính phục vụ bình quân 2,82km; gần 4.000km cáp quang, 170 tuyến viba, 256 trạm lắp đặt thiết bị IP-DSLAM. Đến hết tháng 6/2015, toàn tỉnh có trên 1,4 triệu thuê bao điện thoại, đạt mật độ 75 thuê bao/100 người dân; 33.620 thuê bao internet, 702 đại lý internet; 1.638 trạm BTS… Với sự bùng nổ về thông tin như hiện nay, trong bối cảnh hành lang pháp lý về an toàn thông tin còn thiếu, chưa đồng bộ nhưng đáng mừng là thời gian qua, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai công tác bảo đảm an toàn mạng lưới và an ninh thông tin. 9 tháng năm 2015, toàn tỉnh chỉ xảy ra 2 vụ mất an toàn về hạ tầng mạng lưới viễn thông, giảm 5 vụ so với năm 2014. Đồng chí Dương Văn Lễ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Khi xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Sở luôn bảo đảm các nguyên tắc an toàn thông tin trong thiết kế, xây dựng, vận hành; các thông tin quan trọng đều ghi lưu để phục vụ công tác điều tra, khắc phục sự cố mạng; bố trí nhân lực trực 24/24 giờ tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ bảo đảm an toàn thông tin số. Đồng thời, Sở cũng đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chứng thư số cho hệ thống máy chủ để bảo đảm an toàn thông tin dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, hệ thống mạng văn phòng điện tử và thư điện tử; đầu tư thiết bị phòng, chống thư rác cho hệ thống thư điện tử và tường lửa cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh.

Tại Viễn thông Thái Bình, công tác bảo đảm an toàn thông tin cho khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu. Theo lãnh đạo Viễn thông Thái Bình, thời gian qua, doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho khách hàng như: quản lý chặt chẽ hạ tầng mạng truyền dẫn; định kỳ thay đổi mật khẩu trên toàn hệ thống; thường xuyên kiểm tra, truy xuất trên các log server và khắc phục lỗ hổng bảo mật các thiết bị thông tin của cơ quan, đơn vị… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc bảo đảm an toàn thông tin là hiểu biết của khách hàng về an toàn, bảo mật còn hạn chế, máy tính của khách hàng đa số không có bản quyền, hay truy cập vào những đường link không rõ ràng, trang web giả mạo, có nội dung xấu…

Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, đồng chí Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị UBND tỉnh có chế tài xử lý vi phạm hành chính đủ mạnh, đủ sức răn đe những hành vi gây mất an toàn thông tin; có biện pháp hữu hiệu hơn trong bảo đảm an toàn cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh; làm rõ quyền hạn, trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc áp dụng, thực thi các biện pháp, chương trình bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn hệ thống thông tin và quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Các trường học phổ biến kiến thức an toàn thông tin tới học sinh, sinh viên nhằm nâng cao hiểu biết, tự bảo vệ, tránh việc lợi dụng các dịch vụ viễn thông mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các cơ quan, đơn vị coi trọng việc đào tạo, sử dụng chuyên gia an toàn thông tin…

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin. Không có lĩnh vực nào, không có nơi nào không có sự hiện diện của công nghệ thông tin. Những công cụ và sự kết nối của thời đại kỹ thuật số đã góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của con người, thúc đẩy công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và hiện đại hóa các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo khả năng đi tắt đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Muốn làm được như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải thực hiện nghiêm pháp luật về an toàn thông tin để bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cho các khách hàng, các cơ quan, đơn vị.

Thu Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày