Thứ 4, 24/07/2024, 22:36[GMT+7]

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường

Thứ 2, 14/12/2015 | 09:13:37
1,927 lượt xem
Thời gian qua, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được các nhà trường chú trọng, nhờ đó đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên được tiếp thu các kiến thức về pháp luật, từ đó chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Sinh viên Trường Đại học Thái Bình nghiên cứu tài liệu về pháp luật.

 

Trường THCS Vũ Tiến (Vũ Thư) là một trong những trường rất chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Ngay từ trước khi Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” (gọi tắt là Đề án 1928) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành cuối năm 2009, nhà trường đã từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn pháp luật và đưa kiến thức pháp luật cơ bản, đại cương vào nội dung chương trình của tất cả các khối lớp thông qua các giờ dạy chính khóa, ngoại khóa môn Giáo dục công dân và tích hợp qua các môn học. Ngoài các giáo trình, tài liệu giảng dạy, trang thiết bị phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hàng năm, nhà trường còn tổ chức cho học sinh tham gia các buổi học ngoại khóa về pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật thông qua hình thức sân khấu hóa để các em dễ tiếp thu kiến thức... Phan Thanh Ngân, học sinh lớp 9A cho biết: Những buổi sinh hoạt ngoại khóa hay các hoạt động liên quan đến giáo dục pháp luật đã giúp chúng em có thêm kiến thức về xã hội, về cuộc sống, từ đó tránh được các hành vi vi phạm pháp luật.

 

Khác với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở bậc học mầm non, tiểu học hay trung học chủ yếu là các buổi sinh hoạt ngoại khóa, việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở hệ đại học, cao đẳng mang tính hệ thống. Từ năm 2001, Trường Đại học Thái Bình đã thành lập Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật và thành lập Phòng Thanh tra và pháp chế vào năm 2015 để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên. Hàng năm, nhà trường tổ chức cho cán bộ, giảng viên nghiên cứu, học tập nội dung cơ bản của các bộ luật có liên quan tới công tác chuyên môn. Với học sinh, sinh viên, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa với nhiều hình thức phong phú như: phổ biến, giáo dục pháp luật qua các hội nghị tập huấn; biên soạn, phát hành các loại tài liệu, tờ rơi; lồng ghép tích hợp trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên đầu năm học, khóa học, hoạt động của các câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật…, qua đó, ý thức tổ chức kỷ luật, việc thực hiện nội quy, quy chế giảng dạy, học tập của cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên nhà trường được nâng lên rõ rệt.

 

5 năm (2010 - 2015) thực hiện Đề án 1928, nhìn chung, ở tất cả các bậc học, cấp học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên đều được cung cấp những nội dung liên quan đến giáo dục pháp luật, từ việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, các quy định về đạo đức nhà giáo, về dạy thêm, học thêm… đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, giao thông, phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội… Tuy nhiên, trong quá trình phổ biến, giáo dục pháp luật có một thực tế cần sớm phải giải quyết, đó là hiện nay tại các trường THCS chưa có đủ giáo viên bộ môn Giáo dục công dân chuyên trách, công tác giáo dục pháp luật nhiều trường vẫn phân công giáo viên kiêm nhiệm...

 

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các nhà trường, thời gian tới rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nhìn nhận đúng đắn về lợi ích của việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sinh viên, từ đó đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền hiệu quả.

 

"Qua 5 năm thực hiện Đề án 1928, 100% cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục, học sinh, sinh viên trong tỉnh được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần thiết, phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu; ý thức tôn trọng pháp luật và hành vi chấp hành pháp luật của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, của học sinh, sinh viên có chuyển biến mạnh mẽ, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự, môi trường giáo dục, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên".

 

(Đồng chí Đặng Phương Bắc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo)

 

Nguyễn Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày