Chủ nhật, 28/04/2024, 20:41[GMT+7]

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh làm việc với Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh

Thứ 5, 23/06/2016 | 14:35:13
1,141 lượt xem
Sáng ngày 23/6, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã có buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh về kết quả thực hiện công tác cải cách tư pháp của TAND hai cấp. Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì buổi làm việc.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu tại buổi làm việc.

 

Thời gian qua, Ban Cán sự đảng TAND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của TAND tối cao, của Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh về công tác cải cách tư pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh đổi mới và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa nhằm không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các đơn vị tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đối với công tác xét xử các loại án. TAND tỉnh tăng cường công tác kiểm tra để uốn nắn sai sót, rút kinh nghiệm chung đồng thời cử đoàn kiểm tra dự các phiên tòa mà tòa án các huyện, thành phố tổ chức theo tinh thần cải cách tư pháp. Việc đổi mới công tác xét xử theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 được tòa án các cấp thực hiện nghiêm túc. Qua việc giải quyết án cho thấy TAND hai cấp đã bảo đảm quyền của bị cáo, luật sư, người giám định, người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác trong suốt quá trình thụ lý, giải quyết án.

 

6 tháng đầu năm 2016, TAND hai cấp tỉnh đã thụ lý, xét xử 1.693/2.164 vụ việc, đạt tỷ lệ 78%. Nhìn chung, công tác xét xử của hệ thống của Tòa án tỉnh đạt yêu cầu, chất lượng từng bước được nâng lên, không có trường hợp án bị xử oan, đường lối xét xử phù hợp, sát đúng có tác dụng lớn trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

 

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử; việc tham gia tố tụng của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự; việc đổi mới thủ tục hành chính… đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác cải cách tư pháp của Tòa án trong thời gian tới.

 

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo ghi nhận những kết quả mà Tòa án hai cấp của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là hoạt động cải cách tư pháp, đóng góp hiệu quả vào việc thực thi pháp luật trên địa bàn tỉnh; đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong hoạt động của ngành Tòa án. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo đề nghị ngành Tòa án phối hợp với các cơ quan tiếp tục quán triệt, tuyên truyền về cải cách tư pháp trong đội ngũ cán bộ, thẩm phán và các cơ quan tư pháp. Tập trung nâng cao chất lượng công tác xét xử tại tòa theo hướng cải cách tư pháp, trọng tâm là nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Việc xét xử phải bảo đảm công bằng, công minh, khách quan, không để oan sai, không lọt tội phạm, không để quá hạn, tồn đọng. Làm tốt công tác phối hợp với các ngành (Công an, Kiểm sát) để việc xét xử bảo đảm tiến độ và chất lượng giải quyết. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh; thường xuyên kiểm tra, thanh tra nội bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm. Không ngừng rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cho đội ngũ thẩm phán, cán bộ và công chức trong ngành. Tăng cường bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của Tòa án.

 

Về các kiến nghị, đề xuất của ngành, đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo đã trực tiếp giải đáp và giao Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố tạo điều kiện để TAND tỉnh và TAND các huyện, thành phố tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động; tổng hợp các kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh để xây dựng văn bản đề nghị với Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo còn giao Sở Tư pháp có báo cáo về hoạt động bổ trợ tư pháp; Sở Tài chính nghiên cứu, bố trí kinh phí cho hoạt động cải cách tư pháp; TAND tỉnh chủ trì tham mưu cho Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh có buổi làm việc với Hội thẩm nhân dân để nâng cao vai trò, chất lượng của Hội thẩm nhân dân.

 

Đào Quyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày