Thứ 7, 10/08/2024, 16:23[GMT+7]

Một số điểm mới của Luật Tố tụng hành chính 2015

Thứ 5, 08/09/2016 | 09:23:56
3,898 lượt xem
Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Luật gồm 23 chương, 372 điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 198 điều, giữ nguyên 63 điều của Luật Tố tụng hành chính 2010 và bổ sung 111 điều mới. Sau đây là một số điểm mới của Luật Tố tụng hành chính 2015:

 

- Về quy định mới trong tố tụng hành chính: Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định từ ngày 1/7/2016 trở đi, những yêu cầu khởi kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và chủ tịch UBND cấp huyện do tòa án nhân dân cấp tỉnh thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

 

+ Người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính gây ra và phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ. Trường hợp cần thiết, tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác. Trường hợp bên có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì tòa án có thể tách việc yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo pháp luật về tố tụng dân sự.

 

+ Thời hiệu khởi kiện là vụ án hành chính 1 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính (kể cả quyết định kỷ luật buộc thôi việc); 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện là 1 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; 1 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại. Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn nêu trên, thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện. Các quy định của Bộ luật Dân sự về cách xác định thời hạn, thời hiệu được áp dụng trong tố tụng hành chính.

 

- Cơ quan tiến hành tố tụng gồm tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân. Những người tiến hành tố tụng hành chính gồm có: chánh án tòa án, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký tòa án; viện trưởng viện kiểm sát, kiểm sát viên. Ngoài ra, Luật còn bổ sung thêm địa vị pháp lý trong tố tụng hành chính đối với thẩm tra viên ngành tòa án và kiểm tra viên ngành kiểm sát để thực hiện chức năng pháp lý khi được phân công tiến hành tố tụng. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng được quy định rõ ràng cụ thể trong Luật Tố tụng hành chính.

 

- Vai trò, trách nhiệm của kiểm sát viên trong tố tụng hành chính: Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính phải có nhiệm vụ tham gia phiên tòa, nếu vắng mặt thì hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không phải hoãn phiên tòa như Luật Tố tụng hành chính cũ. Khi tham gia phiên tòa, phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Đồng thời, gửi văn bản phát biểu ý kiến cho tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án. Trong các phiên họp xét kháng cáo quá hạn có sự tham gia của kiểm sát viên viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp kiểm sát viên, người kháng cáo quá hạn vắng mặt thì tòa án vẫn tiến hành phiên họp. Tại phiên tòa phúc thẩm, kiểm sát viên viện kiểm sát cùng cấp được phân công phải có nhiệm vụ tham gia phiên tòa. Trong trường hợp viện kiểm sát có kháng nghị mà kiểm sát viên vắng mặt thì hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.

 

- Đối với việc xem xét, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan trong vụ án hành chính: Để tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính đúng pháp luật, Luật Tố tụng hành chính 2015 đã bổ sung quy định trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì tòa án xử lý như sau:

 

+ Nếu chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì chánh án tòa án đang giải quyết vụ án đó kiến nghị theo thẩm quyền hoặc đề nghị người có thẩm quyền thực hiện việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

 

+ Nếu đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc vụ án đang được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm thì hội đồng xét xử đề nghị chánh án tòa án đang giải quyết vụ án đó thực hiện việc kiến nghị hoặc đề nghị người có thẩm quyền thực hiện việc kiến nghị.

 

+ Tại phiên tòa, nếu hội đồng xét xử phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật thì hội đồng xét xử có văn bản báo cáo chánh án tòa án để thực hiện quyền kiến nghị. Hội đồng xét xử có quyền tạm ngừng phiên tòa để chờ ý kiến của chánh án tòa án hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi có văn bản kiến nghị của chánh án tòa án có thẩm quyền.

 

Luật Tố tụng hành chính 2015 cũng bổ sung nhiều quy định về việc xem xét, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có liên quan trong vụ án hành chính, như: quy định về trình tự, thẩm quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật và trách nhiệm thực hiện kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật…

 

- Giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn: Luật Tố tụng hành chính 2015 đã bổ sung quy định mới về thủ tục rút gọn giải quyết vụ án hành chính, theo đó vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện: vụ án có tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm đủ căn cứ giải quyết vụ án và tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài có thỏa thuận với đương sự ở Việt Nam đề nghị tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn. Việc xét xử sơ thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn do một thẩm phán thực hiện.

 

Ngoài quy định về điều kiện, thành phần giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, Luật cũng quy định cụ thể về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn; khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn; về phiên tòa theo thủ tục rút gọn; việc chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường trong quá trình tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn; về phiên tòa theo thủ tục rút gọn và hiệu lực của bản án, quyết định của tòa án theo thủ tục rút gọn; quy định về việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn tại tòa án cấp phúc thẩm.

 

Đây là những quy định mới được bổ sung để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm giải quyết nhanh gọn, kịp thời những vụ án đơn giản, chứng cứ đã rõ ràng, tránh việc giải quyết vụ án bị kéo dài, gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí của đương sự và của tòa án trong việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, tòa án có thể quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường nếu thấy phát sinh các tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất và cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định; cần phải định giá tài sản nếu các đương sự không thống nhất về giá; cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; phát sinh yêu cầu độc lập; phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp. Trong trường hợp này, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

 

- Về yêu cầu đối với phiên tòa sơ thẩm: Luật Tố tụng hành chính 2015 bổ sung quy định về địa điểm tổ chức phiên tòa, hình thức bố trí phòng xử án, theo đó phiên tòa được tổ chức tại trụ sở tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở tòa án nhưng phải bảo đảm tính trang nghiêm và hình thức bố trí phòng xử án là Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được treo chính giữa phía trên phòng xử án và phía trên chỗ ngồi của hội đồng xét xử; phòng xử án phải có các khu vực được bố trí riêng cho hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, những người tham gia tố tụng khác và người tham dự phiên tòa.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày