Chủ nhật, 11/05/2025, 12:29[GMT+7]

Quyền bầu cử của một số công dân "Đặc biệt"

Thứ 4, 13/04/2011 | 09:22:27
4,148 lượt xem
Quyền bầu cử là một trong những quyền cơ bản về chính trị của công dân. Pháp luật hiện hành đã quy định công dân có quyền bầu cử vào đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải công dân Việt Nam nào có đủ điều kiện

Cụm panô tuyên truyền chuẩn bị cho ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Ảnh: Ngọc Linh

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2001 và năm 2010 và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân 2003 đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2010 quy định rõ những công dân không được ghi tên vào danh sách cử tri là các trường hợp người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hay người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc người đang bị tạm giam và người mất năng lực hành vi dân sự.

Đồng thời pháp luật hiện hành cũng quy định cụ thể những người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù, bị bắt tạm giam hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự thì Ủy ban nhân dân cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Ngoài những người nêu ở trên, trong thực tế có một số trường hợp khi lập danh sách cử tri, có những cán bộ khi làm nhiệm vụ này, thậm chí ngay cả cán bộ chuyên môn về lĩnh vực này cũng tỏ ra lúng túng, băn khoăn không biết có nên đưa và danh sách cử tri hay không?

Trường hợp thứ nhất là người bị tâm thần nhưng không có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế, thì người đó có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không? Theo cuốn “Hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội” do Văn phòng Quốc hội xuất bản năm 2011, thì những bệnh nhân tâm thần thường sống tự do trong nhân dân địa phương, vì mạng lưới y tế chuyên khoa chưa phát triển rộng khắp, cho nên chưa khám và xác định được bệnh tình của họ. Nhưng ở địa phương nếu không có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế mà gia đình cam kết và chính quyền địa phương xác nhận họ là người bị tâm thần thì họ cũng bị coi là mất năng lực hành vi dân sự và không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Trường hợp người bị kết án tù nhưng cho hưởng án treo, nếu không bị tước quyền bầu cử, thì vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri, được phát thẻ cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Trường hợp người vừa câm, vừa điếc lại không biết chữ không thuộc các trường hợp quy định không được ghi tên vào danh sách cử tri. Do vậy, người vừa câm, vừa điếc đều được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Nếu họ không tự viết được phiếu bầu thì áp dụng quy định: “Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu”.

Như vậy, quyền bầu cử là một trong những quyền chính trị cơ bản nhất của công dân được pháp luật Việt Nam quy định rất chặt chẽ; được điều chỉnh bởi hàng loạt các văn bản pháp luật về bầu cử từ Hiến pháp - văn bản có hiệu lực pháp luật cao nhất đến các đạo luật hiện hành như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi bổ sung vào năm 2001 và năm 2010; Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003 đã được sửa đổi bổ sung năm 2010 và cho đến các văn bản dưới luật như Nghị định của Chính phủ cụ thể hóa và hướng dẫn chi tiết các văn bản nêu trên. Đồng thời quy định rõ những trường hợp được bầu cử và những trường hợp không được thực hiện quyền bầu cử.

Ngọc Hiển

(Sở Tư pháp)

  • Từ khóa