Thứ 2, 05/08/2024, 13:19[GMT+7]

Phát hiện nhập lậu tôm hùm nguy hiểm

Thứ 2, 16/08/2010 | 08:01:20
3,191 lượt xem
Một công ty ở Sóc Trăng nhập hơn 500 con tôm hùm nước ngọt (red swamp crawfish) từ Mỹ về nuôi thử nghiệm nhưng lờ các quy định.

Loài tôm hùm nước ngọt mà Công ty Phú Thành nhập về có đôi càng to, ăn tạp…

Mới đây, người dân đã điện thoại báo cho cơ quan chức năng việc Công ty TNHH Phú Thành ở huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) nhập tôm hùm nước ngọt từ Mỹ về nuôi tại huyện Trần Đề. Ngay sau đó, Trung tâm Thú y VII đã niêm phong số tôm này chờ ý kiến của Cục Nuôi trồng thủy sản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Red swamp crawfish hay finger lobster có tên khoa học là Procambarus Clarkii, phân bố tự nhiên ở Bắc Mỹ, là một trong 500 loại crawfish có đời sống như cua, cáy ở nước ta. Bà con Việt ở Mỹ gọi là tôm rồng, tôm hùm đất, tôm hùm nước ngọt, dài không quá 20 cm, nặng không quá 50 g. Tôm ăn tạp, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm..

Theo Phòng NN&PTNT huyện Trần Đề, khi tiếp nhận thông tin và đi kiểm tra, doanh nghiệp (DN) chỉ cung cấp được giấy nhận hàng tại cảng Tân Sơn Nhất. DN cho biết hơn 500 con tôm hùm nước ngọt nhập từ Mỹ về đến Sóc Trăng vào giữa tháng 7/2010 nhưng đã chết gần hết, chỉ còn hơn 30 con.

Loài tôm hùm này có hai càng to, rất hung hăng, chỉ cần đưa tay gần là chúng nhào tới chớp càng tấn công như cua biển, chúng ăn được mùn bã hữu cơ từ tự nhiên, sống được trong môi trường nước lợ... Tuy nhiên, tỉ lệ thịt chiếm chỉ khoảng 15% trọng lượng của tôm, còn lại là vỏ. Chính vì tôm rất hung hăng nên khi thoát ra ngoài môi trường tự nhiên, chúng có thể tấn công các loài tôm bản địa…

Theo quy định, với loài ngoại lai, trước khi nuôi khảo nghiệm phải được các cơ quan chức năng đánh giá, khảo sát, giám sát, kiểm dịch… chặt chẽ để tránh nguy cơ gây tác động xấu cho hệ sinh thái, các loài thủy sinh bản địa khác. Tuy nhiên, DN đã lờ các quy định này.     
Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: Hiện Công ty Phú Thành chưa cung cấp giấy phép nhập khẩu số tôm trên nhưng lại đề nghị Sở cho phép nuôi khảo nghiệm sau khi tôm đã về Việt Nam. Công ty cũng không xuất trình được giấy phép kiểm dịch cho loài sinh vật ngoại lai này. Theo quy định, việc Phú Thành nhập tôm nuôi khảo nghiệm đã vi phạm quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Tiến sĩ Lý Thị Thanh Loan, Giám đốc Trung tâm Quốc gia quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực phía Nam (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II), cho biết: Tôm hùm nước ngọt không chỉ sống tốt trong nước ngọt mà còn sống tốt trong các đầm lầy. Chúng có hai càng to dùng để đào hang đẻ trứng, trú đông, tranh giành thức ăn, đấu tranh sinh tồn...
 
Nếu ở ĐBSCL nuôi đại trà loài thủy sản ngoại lai này sẽ là mối họa cho các công trình thủy lợi, công trình công cộng và có khả năng chúng sẽ tiêu diệt loài tôm bản địa từ việc tranh giành thức ăn để đấu tranh sinh tồn. Mặt khác, đây là loài ngoại lai thì khả năng mang mầm bệnh là có thể. Chưa hết, giống tôm này có thịt rất ít nên nếu chỉ nuôi lấy vỏ là không cần thiết vì vỏ tôm trong nước đã dư thừa để làm nguyên vật liệu sản xuất thuốc, mỹ phẩm…
 
Theo kế hoạch, Phú Thành sẽ nhập 1.000 kg tôm hùm nước ngọt về nuôi. Nếu Bộ NN&PTNT không sớm vào cuộc sẽ gây nguy hại như việc nhập ốc bươu vàng, rùa tai đỏ trước đây...
 
Theo PLTPHCM
  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày