Thứ 7, 24/05/2025, 03:16[GMT+7]

Sức lan tỏa của một cuộc thi

Thứ 5, 29/03/2012 | 08:50:50
2,225 lượt xem
Tại lễ tổng kết và trao thưởng cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về biên giới quốc gia”, trong số những người bước lên vị trí danh dự để nhận giải thưởng, người nhỏ tuổi nhất mới đang học lớp 2 còn người cao tuổi nhất đã 85. Cùng với con số 281.286 bài mà Ban tổ chức cuộc thi nhận được chỉ sau 2 tháng phát động, tất cả những yếu tố đó đã chứng tỏ thành công, sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc thi này, thể hiện sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh đối v

Đại diện Ban tổ chức cuộc thi trao phần thưởng cho các cá nhân

Đại tá Trần Viết Doanh, Chính ủy Bộ đội biên phòng Thái Bình, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi cho biết, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức cuộc thi nhận thức đây là cuộc thi có ý nghĩa chính trị sâu sắc nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia cho mọi cán bộ, công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và nhân dân trong toàn tỉnh, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Do vậy, ngay sau khi nhận được kế hoạch của trên, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Thái Bình đã chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Hội Cựu chiến binh tỉnh báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; đồng thời tích cực chuẩn bị các khâu, từ triển khai, theo dõi, đôn đốc đến việc tổ chức chấm điểm, tổng kết và trao giải. Với vai trò là cơ quan thường trực tổ chức cuộc thi, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Thái Bình còn chủ động xây dựng đề cương, cung cấp nhiều tài liệu có liên quan làm cơ sở giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu, trả lời các câu hỏi sát, đúng hơn.

Việc chấm điểm – công việc khó khăn nhất, công phu nhất, đòi hỏi tính chính xác, tỷ mỉ, cụ thể, đã được tiến hành một cách cẩn trọng với biểu điểm chi tiết, rõ ràng cho từng nội dung. Các thành viên Ban giám khảo cuộc thi đã dành nhiều thời gian đọc hàng nghìn trang tài liệu trong các bài thi, tổ chức chấm xoay vòng, rà soát từng trang viết, nhận xét từng bài, thảo luận và quyết định công tâm, khách quan để báo cáo Ban chỉ đạo, Ban tổ chức cuộc thi quyết định trao giải.

Tâm huyết mà các tập thể, cá nhân dành cho cuộc thi này không chỉ được minh chứng qua số lượng bài tham gia mà còn thể hiện ở sự đầu tư công phu cả về công sức và trí tuệ, sưu tầm tài liệu, hình ảnh, trình bày logic, viện dẫn, luận giải sâu sắc các tư liệu lịch sử, cơ sở pháp lý của Việt Nam và quốc tế - nhất là các tư liệu khẳng định chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong số các bài dự thi tiêu biểu có thể kể đến bài của đồng chí Nguyễn Thanh Huyền (Công an tỉnh) với 1.107 trang; bài của đồng chí Hoàng Thế Việt (Bộ đội biên phòng Thái Bình) 814 trang; bài viết tay của các đồng chí: Bùi Thị Thanh Thủy, Bùi Thị Thúy, Bùi Thị Quỳnh Trang (cùng công tác tại Công an tỉnh) dày từ gần 350 trang đến hơn 500 trang với nhiều tư liệu, hình ảnh minh họa sinh động cho từng nội dung.

Sự thu hút, sức lan tỏa của cuộc thi còn được thể hiện qua sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, từ em học sinh 7 tuổi Nguyễn Thị Mai Quỳnh (lớp 2, Trường Tiểu học Thụy Trường, Thái Thụy) đến lớp người cao tuổi như bác Hoàng Phó Huệ (85 tuổi, ở thôn Dụ Đại, xã Đông Hải, Quỳnh Phụ) cũng như đông đảo tăng ni, Phật tử, chức sắc, chức việc các tôn giáo như Linh mục An-tôn Bùi Xuân Huyên (giáo xứ Bạch Long, xã Đông Hoàng, Tiền Hải), Ni sư Thích Đàm Đài (chùa Phúc Thành, xã Nam Phú, Tiền Hải). Đại đức Thích Thiện Trí (chùa Phú Đức, xã Nam Phú, Tiền Hải) không chỉ có bài tham dự cuộc thi mà còn vận động tín đồ, Phật tử cùng tham gia.

Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Thiện Trí cho biết, cuộc thi giúp ông và các tín đồ, Phật tử nâng cao nhận thức về chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc, hiểu biết hơn về pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế. Với Nguyễn Thị Mai Quỳnh, khi tay đặt bút viết bài dự thi cũng là lúc tâm hồn em ngập tràn hình ảnh và những tình cảm yêu quý nhất dành cho các chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. Còn bác Hoàng Phó Huệ, ở tuổi 85, mắt đã mờ, chân đã chậm, tay đã run song tất cả những điều đó không thể ngăn cản bác tham gia cuộc thi. Ngoài phần thưởng của Ban tổ chức, bác còn nhận được tình cảm, sự tôn trọng của mọi người dành cho một công dân tuổi cao ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Câu chuyện của Đại đức Thích Thiện Trí, bé Mai Quỳnh, bác Hoàng Phó Huệ cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc thi. Mục tiêu đề ra đã thu được kết quả tốt đẹp.

Bài, ảnh: Minh Sơn

 

  • Từ khóa