Thứ 5, 31/10/2024, 19:15[GMT+7]

Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật

Thứ 5, 12/12/2019 | 08:07:56
2,043 lượt xem
Quốc hội vừa ra Nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, Nghị quyết đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với Chính phủ như: Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm nguy hiểm, có tổ chức, tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm về ma túy, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao; ngăn chặn xử lý nghiêm tội phạm “tín dụng đen”; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, chú trọng phòng ngừa xã hội.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 90%; nâng cao chất lượng công tác điều tra, đẩy nhanh tiến độ điều tra các loại án; tăng cường công tác quản lý giam, giữ; không để người bị tạm giữ, tạm giam trốn.

Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện nghiêm thẩm quyền tố tụng do luật định; khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong công tác giám định tư pháp theo vụ việc, đặc biệt là đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng; giảm mạnh số người bị kết án phạt tù trốn ngoài xã hội, các trường hợp phạm nhân chết do đánh nhau, tự sát, vi phạm pháp luật, phạm tội mới trong các cơ sở giam giữ; chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực...

Không để xảy ra trường hợp bỏ lọt tội phạm

Đối với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Nghị quyết yêu cầu chỉ đạo các Viện Kiểm sát áp dụng đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát; kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra để giải quyết vụ án khẩn trương, đúng pháp luật; bảo đảm các quyết định phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn đúng pháp luật; không để xảy ra trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; khắc phục việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự, chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, hành chính.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và đạt tỷ lệ từ 60% trở lên; bảo đảm việc trả lời đơn có căn cứ, đúng quy định của pháp luật; nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình...

Đối với Tòa án nhân dân Tối cao, Nghị quyết nêu rõ cần có giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các loại án; tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%; án dân sự đạt trên 78%; án hành chính đạt trên 60%; tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc xét xử; hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án; giảm mạnh các bản án, quyết định tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án; kịp thời sửa chữa, bổ sung bản án; xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật đối với các bản án, quyết định có sai sót khi có kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền; đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, nhất là các vụ án kinh doanh, thương mại, các yêu cầu về tuyên bố phá sản doanh nghiệp, khắc phục việc hủy án nhiều lần không có căn cứ pháp luật dẫn tới kéo dài việc giải quyết; nâng tỉ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự...

Nghị quyết còn nêu rõ, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, Cơ quan thi hành án kịp thời giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và xử lý nghiêm trách nhiệm của người gây oan sai theo quy định của pháp luật.

Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước thống nhất thời điểm thống kê số liệu năm công tác từ ngày 1/10 năm trước đến hết ngày 30/9 năm sau hoàn thiện báo cáo công tác năm trình Quốc hội.

Theo baochinhphu.vn

  • Từ khóa