Thứ 4, 15/01/2025, 19:50[GMT+7]

Xử lý rác thải nông thôn cần giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương

Thứ 6, 07/10/2022 | 09:31:12
1,863 lượt xem
Một trong những mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là xây dựng nông thôn mới gắn với việc xử lý chất thải trong sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực nông thôn.

Đây cũng là nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn và Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 6/10, tại Hà Nội.

Nhiều khó khăn trong xử lý rác thải nông thôn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục triển khai việc cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn gắn với việc xử lý chất thải trong sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực nông thôn.

Đồng thời vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai thực hiện trong xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cần tiếp tục triển khai qua đó hỗ trợ tích cực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản, xây dựng chính quyền điện tử...

Nêu lên những vấn đề tồn tại trong việc tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận, mặc dù tỉnh đã triển khai 2 mô hình nước uống trong trường học; phân loại rác thải tại nguồn ở huyện Núi Thành, với một số kết quả nhất định, tạo hiệu ứng cộng đồng, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, nhưng để nhân rộng thì rất khó khăn.

Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn và Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, sáng 6/10.

"Khó khăn nhất ở miền núi Quảng Nam là nước sạch, mật độ dân số thưa thớt, việc cấp nước sạch không đơn giản, tốn kém nhiều chi phí. Việc đầu tư nước sạch tại đây chưa đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp, do đó rất cần sự quan tâm, tăng tỷ lệ cấp vốn của Nhà nước, do đơn vị sự nghiệp nhà nước quản lý, vận hành", ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, Quảng Nam cũng gặp khó khăn trong vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, nhất là ở các cơ sở chăn nuôi lớn bởi khó xử lý triệt để. Khó khăn trong việc xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng quy định. Bao bì thuốc BVTV là chất thải nguy hại, yêu cầu khắt khe hơn, chi phí rất lớn…

Khó khăn nhất ở miền núi Quảng Nam là nước sạch, mật độ dân số thưa thớt, việc cấp nước sạch không đơn giản, tốn kém nhiều chi phí. Việc đầu tư nước sạch tại đây chưa đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp, do đó rất cần sự quan tâm, tăng tỷ lệ cấp vốn của Nhà nước, do đơn vị sự nghiệp nhà nước quản lý, vận hành.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Đồng quan điểm trên, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh Thanh Hóa cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn.

Theo số liệu thống kê, 9 tháng năm 2022, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn khoảng 2.774 tấn, tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2021. Lượng phát thải chất thải rắn chủ yếu từ khu vực nông thôn, chiếm gần ¾ lượng rác thải. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải hiện nay ước đạt 88,5%. Tỷ lệ rác thải được xử lý bằng công nghệ đốt đạt 29,4%; chôn lấp đạt 67,9%; tái chế chỉ đạt 2,6%.

"Đặc biệt, hiện cũng có nhiều nhà đầu tư muốn vào Thanh Hóa làm công nghệ xử lý rác thải nông thôn, nhưng việc tiếp cận đầu tư còn khó khăn với những quy định của luật. Hiện còn 1 số bãi rác, 1 số điểm, kho chứa thuốc BVTV nguy hại, nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn nhưng xử lý khó khăn", ông Giang chia sẻ.

Toàn tỉnh hiện có 16 bãi chôn lấp rác thải tại 15 huyện và 26 khu xử lý rác thải bằng công nghệ đốt. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư khu xử lý chất thải rắn mới cho các huyện, thành phố, gồm: Đông Sơn, Bỉm Sơn, Sầm Sơn, Triệu Sơn, Như Xuân. Từ năm 2020 đến nay đưa vào vận hành 2 dự án nhà máy xử lý rác thải công suất từ 100-120 tấn/ngày đêm nên chưa đáp ứng được nhu cầu.

Xử lý rác thải cần sự đồng hành quyết liệt

Chia sẻ tại hội nghị, các đại biểu cho rằng việc xử lý rác thải phải có sự đồng hành từ Trung ương đến địa phương, từ người giàu đến người nghèo.

Theo ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam, để xử lý được vấn đề rác thải, ô nhiễm môi trường ở nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới thông minh, chúng ta cần làm tốt 3 vấn đề. Một là quy hoạch môi trường, nếu các địa phương không có quy hoạch, không hiểu rác là gì thì không thể có quy hoạch chuẩn, có tầm nhìn xa. Theo tôi, hiện nay mỗi tỉnh nên có ít nhất 1 khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp.

Ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam, đưa ra các giải pháp tại Hội nghị.

Thứ hai, theo ông Trọng là phải có công nghệ, định vị rác là tài nguyên. Đây là vấn đề công nghệ, cần thúc đẩy công nghệ để áp dụng từ thu gom, vận chuyển đến xử lý, có như vậy mới giải quyết vấn đề tuần hoàn trong xử lý rác thải.

Thực tế là nếu lượng rác ở địa phương dưới 50 tấn/ngày thì rất khó thu hút nhà đầu tư. Nhưng chúng ta không thể loay hoay chờ nhà đầu tư mãi được, vì vậy với địa phương dưới 100.000 dân, lượng rác dưới 50 tấn/ngày thì nên đầu tư bằng ngân sách. Về cách làm, chúng ta hoàn toàn có thể đấu thầu công tác vận hành, đốt bằng lò nhỏ. Trong quá trình đó tự người dân sẽ phải thực hiện phân loại rác, thôi thúc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, ông Trọng nhấn mạnh việc quản lý sau đầu tư. "Phải có sự đồng hành từ Trung ương tới địa phương, tránh tình trạng trên chỉ đạo xuống, dưới lại chạy lên, không sẵn sàng tham gia vào công việc xử lý rác thải, rơi vào tình huống "sống chết mặc bay". Nếu không xử lý rác đến nơi đến chốn thì nó ảnh hưởng đến sức khỏe của chính chúng ta chứ không phải là con cháu sau này", ông Trọng chỉ rõ.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng kiến nghị cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc xử lý chất thải rắn; phía Nhà nước cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia xử lý chất thải rắn. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Thủ tướng có cơ chế chính sách vừa bảo đảm môi trường, vừa phục vụ tốt sản xuất kinh tế...

Theo Nhân Dân